Bạn đang ở đây

Cảnh sát giao thông: Lịch sự hay không lịch sự, ai thẩm định?

Đại tá Phạm Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Cục CSGT), bộ Công an trả lời về quy trình "CSGT phải chào người vi phạm" khi làm việc, rằng: "Không phải lúc nào cũng cần thiết. CSGT chỉ chào hỏi với người lịch sự. Còn với những người vừa dừng xe đã hỏi "sao mày không chào tao" thì cảnh sát không cần phải chào". Dư luận băn khoăn xung quanh phát ngôn mang tính "định hướng" của vị lãnh đạo công an này.

Cảnh sát giao thông chào trước, ai sẽ hỏi "sao mày không chào tao?"

Ngay sau khi phát biểu của vị Phó cục trưởng cục CSGT được một số báo chí dẫn lại. Dư luận không khỏi băn khoăn về phát ngôn mang tính chỉ đạo và định hướng của vị lãnh đạo ngành này. Tại buổi tập huấn, đại tá Phạm Minh Tuấn, Phó cục trưởng cục CSGT nhận định, tình hình trật tự an toàn giao thông đang "hết sức phức tạp". Ông Tuấn cũng cho rằng, xung quanh vấn đề này ít nhiều là trách nhiệm của người thi hành công vụ. Đặc biệt về quy trình "CSGT phải chào người vi phạm" khi làm việc, đại tá Tuấn cho rằng không phải lúc nào cũng cần thiết. "CSGT chỉ chào hỏi với người lịch sự. Còn với những người vừa dừng xe đã hỏi "sao mày không chào tao" thì cảnh sát không cần phải chào", đại tá Tuấn nói.

Ngay sau đó, Người đưa tin đã nhận được ý kiến của không ít người dân bày tỏ suy nghĩ về phát biểu của vị lãnh đạo này trước rất đông chiến sỹ CSGT trẻ. Anh Nguyễn Văn Chung, Tây Mỗ, Từ Liêm (Hà Nội) cho biết: "Tôi không đồng tình với ý kiến của đại tá Tuấn. Việc chào hỏi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã được quy định trong tác phong của người công an nhân dân. Nó thể hiện sự uy nghi, bản lĩnh của người CSGT. Hiện nay, đất nước đang báo động về cách ứng xử văn hóa giao tiếp giữa người với người. Thiết nghĩ những tác phong đó không những thể hiện tính nghiêm minh mà người dân nhìn vào đó học hỏi".

CSGT chào hỏi người vi phạm là điều bắt buộc trong điều lệnh Công an nhân dân.

Thượng tá Lê Đức Đoàn, Đội CSGT số 1 (CA TP.Hà Nội), Công dân Thủ đô ưu tú năm 2012 chia sẻ: "Trong suốt quá trình làm việc hàng chục năm qua của cá nhân tôi, bản thân tôi không ít lần đã gặp phải các đối tượng say rượu, ăn nói thiếu văn hoá. Tuy nhiên, với cương vị là một chiến sỹ công an khi gặp bất cứ người vi phạm nào đầu tiên cũng phải ứng xử có văn hoá, đúng quy trình nghiệp vụ. Đặc biệt là có lời nói, hành vi thể hiện đúng là người đang thi hành công vụ, giải thích cho họ lỗi vi phạm. Bởi thực tế, nhiều người vi phạm khi bị yêu cầu dừng xe còn khăng khăng nói họ không vượt đèn đỏ, không chèn vạch sơn... Thậm chí nhiều người còn không chịu xuất trình giấy tờ để kiểm tra. Lúc đó, bản thân tôi phải nhẹ nhàng nói với họ để họ nghiêm túc thực hiện quy định khi tham gia giao thông. Những quy định đó ai cũng được học nhưng khi đi vào thực tế lại tuỳ thuộc vận dụng của từng người".

Trái quy định, trái luật

Có thể dẫn tới tùy tiện chào hoặc không chào

Trở lại phát ngôn của ông Tuấn (Phó Cục trưởng cục CSGT) khi nói về văn hóa ứng xử, đạo đức, tác phong của lực lượng CSGT thì có thể đặt ngược vấn đề CSGT chào người vi phạm khi nào, lúc nào?! Hiển nhiên là cần thiết phải chào ngay khi tiếp xúc với người vi phạm, khi dừng xe của người vi phạm cũng là lúc đầu tiên tiếp xúc với dân và vì vậy nếu người CSGT chào người vi phạm ngay sau khi dừng xe thì chắc chắn một điều sẽ không có ai có thể nói "sao mày không chào tao?". Nếu CSGT không nhất thiết phải chào người vi phạm, có nghĩa là chào cũng được và không chào cũng được có thể sẽ dẫn tới CSGT sẽ tùy tiện trong việc chào hoặc không chào, vì nhiều khi chỉ có người vi phạm và CSGT đối diện nhau, không có sự kiểm chứng về lời nói của cả hai bên.

Thượng tá Đoàn cũng cho biết, dù xử lý rất nhiều trường hợp vi phạm luật Giao thông nhưng tôi cũng chưa gặp trường hợp nào hỏi "sao mày không chào tao?". Không chỉ cảnh sát mà với tư cách một người dân, khi đến nhà người khác, gặp người lạ cũng phải chào. Đó là những câu mà bất kỳ ai cũng được học, được dạy từ khi bắt đầu biết nói. Theo điều lệnh thì khi gặp người vi phạm, CGGT phải chào. Đó là quy định trong điều lệnh.

Luật sư - Thạc sỹ Nguyễn Việt Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Kinh Đô cho biết: "Phát ngôn như vậy của Phó cục trưởng cục CSGT có thể chia sẻ phần nào, vì theo như báo chí nêu thì đúng là có những người vi phạm pháp luật về giao thông nhưng lại có những cử chỉ, lời nói khiếm nhã, thô tục đối với những chiến sỹ CSGT đang làm nhiệm vụ, thậm chí còn xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của chiến sỹ CSGT. Những hành vi đó của người vi phạm cần phải được xử lý một cách nghiêm minh.

 Tuy nhiên, ở phía khác cũng có thể thấy việc chào của người CSGT cũng thể hiện tính trang nghiêm theo điều lệnh của ngành công an nhân dân, nó cũng thể hiện sự nghiêm túc trong khi làm nhiệm vụ của CSGT. Bởi vậy, tôi cho rằng việc chào là cần thiết và phải là bắt buộc đối với CSGT khi làm nhiệm vụ thì mới thực sự hợp lý. Cho nên phát ngôn của ông Tuấn như vậy là chưa hợp lý, cũng không đúng với quy định của ngành và trái luật", luật sư Hùng đánh giá.

Theo một chuyên gia văn hoá, những quy định, điều lệnh thì phải thực thi nghiêm, với tất cả mọi người chứ không thể có kiểu "tuỳ hứng" như vậy. Xét theo luật hay phong tục thì CSGT cũng vẫn nên chào hỏi trước, điều đó vừa thể hiện đạo đức, văn hoá và là hành động đẹp nên không có lý do gì những quân nhân lại cần phải "kiệm vi". Đặc biệt, nếu CSGT chỉ chào hỏi với người lịch sự, vậy ai sẽ thẩm định người vi phạm có lịch sự hay không lịch sự?

Luật sư Hùng cho rằng: "Một người cho dù có vi phạm pháp luật về hình sự đi chăng nữa thì họ cũng chỉ được xem là có tội khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án có thẩm quyền. Người vi phạm giao thông trước tiên họ là một người dân, chứ không phải là kẻ thù. Do vậy, họ đương nhiên và trước tiên họ phải được đối xử như một người dân chứ không phải là tội phạm hay kẻ thù. Việc không chào của CSGT khi làm nhiệm vụ, vi phạm điều lệnh của ngành Công an và tính nghiêm minh của pháp luật. Cụ thể, vi phạm vào khoản 2 điểm b điều 36 Thông tư số 17/2012/TT-BCA ngày 10/04/2012 của bộ Công an và điều 3 Thông tư 65/2012/TT-BCA của bộ Công an ngày 30/10/2012 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông đường bộ”.

Theo Người Đưa Tin
 
 
people like INLOOK.VN fanpage