Bạn đang ở đây

Phát ngôn “đồng tính là bệnh” của chủ tịch công ty Ước Mơ Xanh gây tranh cãi

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Mỹ của công ty Ước mơ xanh trong lần tư vấn gần đây cho các học sinh trường THPT Trần Phú đã gây ra tranh cãi khi nói rằng “Đồng tính là một căn bệnh và có thể chữa được.”

Đoạn tư vấn của bà Nguyễn Thanh Mỹ, chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty CP Giáo dục Ước Mơ Xanh, đã được các em học sinh Trần Phú ghi âm lại và post lên Youtube vào ngày hôm qua. Ngay lập tức, đoạn tư vấn này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía cộng đồng LGBT (Đồng tính nam-nữ, song tính và chuyển giới) vì những thông tin sai lệch liên quan đến vấn đề đồng tính. Hầu hết những nhận xét trên Youtube và Facebook đều là phê phán. Một số bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về việc tư vấn tâm lý tắc trách như thế này sẽ được tiếp diễn.

 

Nguyên văn:

“Trào lưu quan hệ đồng tính hiện nay đang phát triển và cô thấy cũng rất mạnh…Đó là một căn bệnh…Và sau đó cô cũng nói với em đó là: Em hãy suy nghĩ. Em hãy coi như là cái sự việc bị hãm hiếp đó là một tai nạn ngoài ý muốn của em. Và cuộc đời thì ai cũng có tai nạn hết. Có những người gặp tai nạn rồi sau đó quên tai nạn đi và sống bình thường. Cũng có những người gặp tai nạn rồi cũng chính tai nạn đó giết chết cuộc đời của người đó luôn. Nên cô không muốn em giống như vậy.

Em hãy bỏ cái suy nghĩ em không thể gần một người nam được. Em hãy tưởng tượng đi, sau này người đó nói với cô rằng em muốn kết hôn với một người nữ và bằng mọi giá em phải thuyết phục mẹ em cho em kết hôn với người nữ. Lúc đó cô mới nói rằng: Cô không cấm em, không cản em. Trong ác cảnh của em bây giờ, cô không muốn cho em lời khuyên nào hết. Nhưng cô chỉ hỏi em một điều, em hãy suy nghĩ cho thật kỹ. Khi em kết hôn với một người nữ, sau này em có thể làm đám cưới rình rang và hạnh phúc trong ngày hôn lễ của mình hay không? Rồi sau này có thể nắm tay người yêu của mình mà đến với họ hàng một cách hãnh diện hay không? Rồi có hạnh phúc khi làm mẹ hay không? Em hãy suy nghĩ về tất cả những điều đó.

Thật sự, khi mà cô nói để tất cả các em suy nghĩ, việc này chắc chắn cũng có một số em phản đối cô. Bởi vì trong số các em cũng có những người đồng tình và ủng hộ với điều này.

Cô không phản bác. Thật sự, cô chỉ thấy đáng thương những người đó thôi. Bởi vì những người vấp vào con đường này là họ đã chọn một con đường giới hạn cho cuộc sống của mình. Một tương lai của mình không thể nào tự hào và kiêu hãnh được trước mặt người thân, trước mặt ba mẹ, trước mặt bạn bè. Chúng ta chọn một con đường để đi chúng ta đi trong bóng tối. Có một anh sinh viên nói với cô rằng cô ơi em không muốn như vậy. Nhưng, cô có nói với anh đó rằng: Thật ra đó là tâm bệnh chứ không phải là bệnh về mặt sinh lý đâu. Nên đã là tâm bệnh thì các em VẪN CÓ THỂ CHỮA ĐƯỢC nếu các em thật sự muốn thoát khỏi nơi đó.

Nên một trong những vấn để cô muốn nói với các em rằng: Các em cần phải lưu ý, tình yêu nam hay nữ, nam nữ với nhau cũng có sự nguy hiểm khi chúng ta vượt quá giới hạn. Tình yêu nữ với nữ, nữ với nam, tình yêu đồng giới. Nếu như các em giữ ở đó, mặc dù nữ với nhau thích thích nhau, có cảm tình với nhau chăm sóc lẫn nhau, đó cũng là một chuyện tốt đẹp, không có vấn đề. Nhưng các em có thể vượt qua những điều đó, emHÃY ĐỂ CHO MỌI THỨ TỰ NHIÊN, gìn giữ sự trong sáng. Để sau này, các em lớn lên rồi, các em gặp phải một cái người mà mình yêu thương thật sự, mà cuộc đời mình đã hư hỏng rồi và cũng không có cơ hội đến gần người đó thì các em sẽ thấy vô cùng đáng tiếc.

Cô muốn nói lời khuyên răn các em, trong buổi chiều ngày hôm nay, cô muốn nói với các em một điều là: Để khắc phục tất cả những điều đó, cô mong rằng, điều các em phải làm đó là học cách KIỀM CHẾ. Kìm chế cảm xúc của mình và KIỀM CHẾ HAM MUỐN NHẤT THỜI CỦA TUỔI MỚI LỚNđể tránh những cái hậu quả khôn lường mà cô đã vừa nêu. Để tránh những điều đó thì các em phải có ước mơ, khi các em có ước mơ, các em có động lực để vượt qua những phút cám dỗ. Chính ước mơ đó sẽ đánh thức các em và lôi các em ra khỏi nơi đó. Và ước mơ đó sẽ hướng các em vào việc học, tập tring vào việc học. Và các em phải có lòng biết ơn đối với cha mẹ của mình, bậc sinh thành của mình. Mẹ mình mang nặng chín tháng mười ngày, bao nhiêu tháng ngày nuôi nấng các em vất vả. Các em hãy một lần suy nghĩ về điều đó để đầu các em có lòng biết ơn trong lòng của mình. Khi các em có lòng biết ơn trong lòng của mình, trước khi hành động một vấn đề, điều gì, các em có thể thắng lại được và các em có thể cân nhắc và suy nghĩ được. Nếu như trong tấm lòng các em không có hình bóng của cha mẹ, chắc chắn các em sẽ rất dễ phạm tội, sa ngã. Và các em cũng phải biết ơn thầy cô nữa. Bởi các thầy cô ngày đêm vất vả, dạy dỗ các em và mong muốn các em học thành…”

Một hoạt động ủng hộ người đồng tính ở Cần Thơ (Ảnh: ICS)

Năm 1990, WHO – tổ chức Sức khỏe Thế giới – đã loại đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách các căn bệnh của loài người. Bên cạnh đó, vào năm 1973 và 1975, Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ và Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ cũng đã đưa ra những động thái tương tự. Theo những tổ chức này, đồng tính không phải là một căn bệnh mà là một xu hướng tính dục mang tính tự nhiên (cùng với song tính luyến ái và dị tính luyến ái).

Trước đây, đã từng có rất nhiều biện pháp được đưa ra nhằm thay đổi xu hướng tính dục của những người đồng tính. Một vài trong số đó mang tính tàn bạo và đã gây ra không ít cảnh đau thương. Ví dụ như tại Mỹ, người ta cho người đồng tính nam xem ảnh khỏa thân nam và kích điện cho đến khi họ không còn ham muốn nữa. Tại Việt Nam, phổ biến nhất có lẽ là phương pháp cho uống thuốc và bùa ngãi với hy vọng có thể “biến” người đồng tính trở lại thành người dị tính.

 

Tất nhiên là tất cả những biện pháp đó đều không có hiệu quả. Bởi vì ngay từ đầu, đồng tính không phải là một căn bệnh và nó có tính bền vững lâu dài kể từ khi người đồng tính được sinh ra.

Thiết nghĩ, một người hỗ trợ giáo dục lâu năm như Thạc sĩ Nguyễn Thanh Mỹ trước khi đưa ra lời khuyên hay tư vấn cho các em học sinh về vấn đề đồng tính thì trước hết phải tự bổ sung kiến thức cơ bản về xu hướng tính dục cho mình. Phổ thông trung học là lứa tuổi cực kì nhạy cảm với những thay đổi về mặt sinh lý lẫn tâm lý của các em. Những điều hướng dẫn không đúng từ người đi trước, dù nhỏ hay lớn đều có thể gây ra những luồng suy nghĩ sai lầm và nhận thức sai lệch. Từ đó gây ra những hậu quả không thể nào lường trước được.

Sự việc lần này đã đặt ra cho chúng ta hai câu hỏi:

Thứ nhất là về cái tâm và khả năng của một người tư vấn viên dành cho lứa tuổi học sinh.

Thứ hai là liệu có nên đưa chủ đề “đòng tính” vào chương trình học phổ thông để cho các em có cái nhìn đúng đắn hơn về chủ đề này?

Thiết nghĩ đây là những câu hỏi nên dành cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

Theo Baomoi

people like INLOOK.VN fanpage