Bạn đang ở đây

Phong trào ma quái lan truyền trên mạng

“Chào, tôi là Teddy. Năm nay tôi 7 tuổi. Tôi không có mắt và máu khắp trên khuôn mặt của tôi. Tôi đã chết”.

Phong trào ma quái lan truyền trên mạng

Ảnh minh họa

Thời gian gần đây, trên các diễn dàn và mạng xã hội xuất hiện một phong trào rất lạ, có tên gọi là “phong trào Teddy”. Vậy “phong trào Teddy” là gì?

Phong trào này bắt đầu từ một câu ngắn gọn: “Chào, tôi là Teddy. Năm nay tôi 7 tuổi. Tôi không có mắt và máu khắp trên khuôn mặt của tôi. Tôi đã chết”. Nếu chỉ thế thì không thể tạo thành phong trào, vì vậy, người viết yêu cầu đăng bài này lên ít nhất 12 hình ảnh để có thể lan truyền đoạn văn bản này. Để tăng thêm tính rùng rợn, người viết còn liệt kê những trường hợp không làm theo hay làm ít hơn yêu cầu sẽ gặp những chuyện xui xẻo, thậm chí là chết chóc.

Bạn Thanh Lan (Tp.HCM) sợ hãi: "Tự nhiên mình nhận được câu chuyện Teddy, nó bắt mình phải đăng trên 12 hình ảnh nếu không thì mình sẽ chết hay gia đình mình có chuyện gì không hay. Mình sợ lắm nên dù không muốn cũng phải đăng lên 12 bức hình. "Có kiêng có lành" mà..."

Nguyên văn đoạn văn bản Teddy (Ảnh: Internet)

Theo tìm hiểu, “phong trào Teddy” nằm trong hiện tượng Creepypasta nổi tiếng trong những năm trở lại đây. Creepypasta là những câu chuyện ngắn hay các huyền thoại kinh dị trên cộng đồng mạng, được lan truyền thông qua các diễn đàn hoặc dưới hình thức email. 

“Creepypasta” xuất phát bởi cụm từ “copypasta”, đây là một từ tiếng lóng (đọc chệch từ “copy-paste”) để chỉ những mẩu chuyện không ngừng được sao chép từ trang web này đến trang web khác.

Khoảng từ năm 2007 trở lại đây, Creepypasta bắt đầu bùng nổ và trở nên thịnh hành được cộng đồng thế giới đặc biệt quan tâm. Nhưng ngay từ những năm 1990, Creepypasta đã lan truyền và chia sẻ nhờ sự phát triển mạnh mẽ của hình thức email.

Đa phần các email kiểu này đe dọa sẽ giết chết hay lấy mất linh hồn của người đọc nếu người đó không chuyển tiếp bức thư cho những người khác. Để tăng thêm tính thuyết phục, trong nội dung thư còn liệt kê các trường hợp tử vong vì không chịu gửi thư hay gửi không đủ số lượng.

Một ví dụ về kiểu Creepypasta dưới hình thức bắt buộc gửi cho người khác (Ảnh: Internet)

Ví dụ bức thư chú chuột giết người yêu cầu người đọc phải gửi cho 25 người khác, nếu ít hơn số lượng đó, người đọc sẽ bị chết, bị thương, hoang tưởng hoặc gặp điều xui xẻo.

Dù khác nhau về độ dài cũng như nội dung, nhưng creepypasta thường được phân loại như sau:

- Giai thoại: tường thuật lại một huyền thoại, tin tức hay sự kiện đáng sợ trong quá khứ.

- Nghi thức: trình tự ghê sợ khi một người nào đó đi đến đúng địa điểm tại một thời gian nhất định, thực hiện các hành động cụ thể thì sẽ có điều kinh hoàng xảy ra.

- Đoạn video thất lạc: Người viết kể lại câu chuyện của một đoạn hay một cảnh mà chưa bao giờ được thấy hay công bố trước đây của một chương trình truyền hình nổi tiếng, thường là phim hài hay phim hoạt hình trẻ em, vì hai loại phim này có âm thanh, hình ảnh dàn dựng nhiều, nhân vật hành động khác thường hoặc bạo lực, tự giết mình hay những người khác.

Gọi Creepypasta là truyện ma quái hay truyện kinh dị cũng không sai, tuy nhiên, sức hấp dẫn của nó lại mạnh hơn rất nhiều bởi nó được kể lại rất chi tiết, có thời gian, địa điểm cụ thể giống như chính người trong cuộc thuật lại hơn là một sản phẩm thêu dệt của trí tưởng tượng.

Hầu hết những truyện Creepypasta đều chứa đựng một phần sự thật. Vì vậy, chúng thường đi kèm với những đoạn âm thanh, hình ảnh hay video liên quan để chứng minh. Tất nhiên, sự thật này được thêm thắt nhằm tăng tính hấp dẫn và ít ai có thể kiểm chứng được độ xác thực hoàn toàn của chúng. Nhưng chính yếu tố “nửa thật nửa ảo” này đã kích thích trí tò mò và tạo nên sức lôi cuốn khó cưỡng lại cho người đọc.

Điển hình là đoạn phim “Suicide Mouse” (Chuột tự sát) dài 9 phút. Trong đoạn video này, chú chuột Mickey buồn bã đi bộ trên một con phố ảm đạm không điểm dừng thì nhạc nền piano nổi lên. Sau vài phút, video bị hỏng khiến hình ảnh bị méo mó, âm thanh bị biến dạng và xuất hiện tiếng gào khóc, tiếng hét khủng khiếp. 

Hình ảnh trong đoạn video "Suicide Mouse" (Ảnh: Internet)

Điều khiến đoạn video này nổi tiếng chính là truyền thuyết về những trường hợp tự sát của những người xem video này. Được biết, Disney thừa nhận đây là đoạn video hỏng của phim Mickey Mouse chưa từng được công bố nhưng không hiểu lí do vì sao đoạn phim này bị lộ ra ngoài. Đoạn phim là có thật nhưng nó có khiến hàng loạt người xem tự sát hay không thì chưa được xác thực cụ thể.

Hiện tại, số lượng người theo dõi Creepypasta đã đạt đến con số khổng lồ và ngày càng tăng cao. Những trang web chuyên tổng hợp các mẩu chuyện Creepypasta xuất hiện, các fanpage Creepypasta được thành lập, tờ New York Times thậm chí từng đăng một bài báo vào ngày 12/10/2010 với tựa đề: “Buồn chán khi làm việc? Hãy thử đọc Creepypasta hoặc Web Scares!”… chứng tỏ tầm ảnh hưởng của hiện tượng này không hề nhỏ.

Tờ báo New York Times đăng bài báo về Creepypasta (Ảnh: New York Times)

Hàng loạt fanpage Creepypasta được lập ra với nhiều người like (Ảnh: Facebook)

Sự phản ứng từ cộng đồng khi nhận nhiều mẩu chuyện chia sẻ vô tội vạ (Ảnh: Facebook)

 

Tuy nhiên, Creepypasta cũng mang đến những mặt tiêu cực cho chính bản thân và những người xung quanh. Vì thuộc thể loại kinh dị nên chống chỉ định cho những người có tiền sử về bệnh tim hay thần kinh yếu. 

Nhưng với người bình thường cũng không tránh khỏi ảnh hưởng về mặt tâm lý bởi tính chất kinh dị từ Creepypasta và hiện tượng ám thị tập thể từ cộng đồng. Ngoài ra, việc chia sẻ vô tội vạ những mẩu chuyện rùng rợn cũng khiến người khác cảm thấy khó chịu, bực bội.

Admin của một trang fanclub tuyên bố: "Nghiêm cấm các comment hay post liên quan đến Teddy! Ai không tuân thủ sẽ bị ban nick vĩnh viễn vì những thứ này làm phiền và ảnh hưởng đến những người khác".

Vì vậy, trước khi bước vào thế giới Creepypasta, người đọc cần chuẩn bị một tâm lý vững vàng và quan niệm chỉ tìm hiểu vì mục đích giải trí chứ đừng để nó tác động nặng nề đến tâm lý cũng như cuộc sống của chính mình và người khác.

 

Theo The Box

 

people like INLOOK.VN fanpage