Bạn đang ở đây

Việt Nam: Chênh lệch giàu nghèo gấp gần 10 lần

Tại Việt Nam, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo tăng từ 9,2 lần (năm 2010) lên 9,4 lần (năm 2012). Đang có khoảng 1 triệu lao động dịch chuyển từ nhóm chính thức sang phi chính thức.

Trong 2 thập kỷ qua, Việt Nam đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 58,1% xuống dưới 10%. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc bảo đảm tính bền vững của các kết quả đã đạt được, nguy cơ tái nghèo còn cao, các vùng nghèo và sự chênh lệch giữa các vùng miền vẫn còn tồn tại dai dẳng. Đó là thông tin được đưa ra tại diễn đàn Giảm nghèo - Tầm nhìn tương lai do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa tổ chức nhằm hưởng ứng ngày Quốc tế chống đói nghèo và ngày Vì người nghèo của Việt Nam (17/10).
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn khi tốc độ giảm nghèo chưa đồng đều. Hiện tỷ lệ nghèo giữa các vùng còn lớn, như vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60 - 70%. Trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm tới 47% số hộ nghèo. Báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH cũng cho thấy, Việt Nam vẫn đang đứng trước những thách thức lớn, tốc độ giảm nghèo không đồng đều, chưa bền vững. Cũng theo nghiên cứu gần đây, trong năm 2012, Việt Nam đã có khoảng 1 triệu lao động dịch chuyển từ nhóm chính thức sang nhóm phi chính thức. Những nhóm lao động này không tiếp cận được đầy đủ các dịch vụ an sinh xã hội và dịch vụ xã hội, do họ không có giấy đăng ký nơi thường trú. Cùng với đó, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo tăng từ 9,2 lần (năm 2010) lên 9,4 lần (năm 2012)…
 

Khoảng cách gấp 10 lần giữa người giàu và nghèo tại Việt Nam.


Các ý kiến tham gia tại diễn đàn đều nhất trí phải thúc đẩy sự tham gia của các cộng đồng bị ảnh hưởng vào việc giải quyết các thách thức trong giảm nghèo, khuyến khích người nghèo nói lên tiếng nói của mình, trao quyền để họ tự tìm ra cách thức giảm nghèo và lôi cuốn sự tham gia của người nghèo vào quá trình lập kế hoạch, giám sát để giảm nghèo bền vững.

Ghi nhận nỗ lực giảm nghèo của Việt Nam, thay mặt các cơ quan của Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế tại Việt Nam, bà Pratibha Mehta đánh giá cao việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 80 giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Bà nhắc lại cam kết, Liên Hợp Quốc tiếp tục hỗ trợ quá trình giảm nghèo của Việt Nam, nghiên cứu xóa bỏ các rào cản hạn chế từ các chính sách giảm nghèo hiện tại, giúp Việt Nam đẩy nhanh việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ.

Đại sứ Cộng hòa Ai-len Damien Cole cũng bày tỏ tin tưởng trong giai đoạn tới Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành tựu giảm nghèo khi rà soát và điều chỉnh lại các chính sách, mục tiêu, phương thức vận hành giảm nghèo dành cho các khu vực có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thông tin, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Chính phủ đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm: Chương trình giảm nghèo sẽ khuyến khích, tăng cường tính tự chủ tự vươn lên của hộ nghèo, giảm chính sách bao cấp cho không, hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm… 
 

Theo Dân Trí
people like INLOOK.VN fanpage