Bạn đang ở đây

Hà Nội sẽ điều chỉnh học phí theo lương cơ bản

Để mức học phí không bị lạc hậu, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết tới đây sẽ áp dụng điều chỉnh phí dạy thêm, học thêm tăng theo mức lương cơ bản Nhà nước công bố.
Thông tin trên được phía Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 2/7. 
 
Cụ thể thành phố sẽ quy định mức trần mới đối với việc dạy thêm, học thêm. Mức trần này sẽ được thay đổi theo mức lương tối thiểu Nhà nước quy định. Ví dụ, khi Nhà nước tăng lương tối thiểu 10% thì mức thu học phí học thêm sẽ tăng 10%. Lãnh đạo Sở cho rằng việc tăng như vậy sẽ không bị lạc hậu và có thể quản lý được.
Hà Nội sẽ điều chỉnh phí học thêm theo lương. (Ảnh minh họa)

Một nội dung được quan tâm chia sẻ nhiều tại buổi thông tin báo chí này là thực trạng cho trẻ học chương trình trước khi vào lớp 1. Đề cập đến vấn đề này, Trưởng phòng Giáo dục Phạm Xuân Tiến cho là “nói mãi vẫn thế”. Thực trạng này đã được dư luận, báo chí phản ánh rất nhiều nhưng lại còn "quá nhiều người không hiểu".

Thậm chí ông Tiến còn nhắn nhủ phụ huynh “nếu không hiểu hãy hỏi cô giáo dạy lớp 1” sẽ rõ cho con đi học trước có gì giống và khác so với không học. Ông nhận định “cuối năm học, em được học trước chương trình lớp 1 thua xa em chưa học”.

Theo ông Tiến, việc phụ huynh cho con đi học trước chương trình lớp 1 chỉ là chạy theo dư luận, tạo thành một làn sóng, trào lưu. 90% thực trạng này do phụ huynh, 10% còn lại do giáo viên. Việc cho các cháu học trước chương trình sẽ để lại những hệ lụy đáng tiếc. Thấy rõ nhất là các cháu bị ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và sức khỏe.

“Tại sao phụ huynh không nghe chúng tôi. Phụ huynh cứ yên tâm, các trường ở Hà Nội vẫn đảm bảo chuẩn kiến thức không chỉ tối thiểu mà còn cao hơn như thế. Cho học trước không được gì, vừa tốn tiền, tốn công đưa đón lại ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý và đôi khi vì việc đó mà các cháu sợ học” – ông Tiến khuyến cáo.

Trao đổi với phóng viên về thực trạng “chạy trường, chạy lớp”, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống cho biết: "Đây là điều chúng tôi rất suy nghĩ. Nếu có bằng cớ cho thấy hiệu trưởng nhận tiền thì xin phụ huynh hãy cho chúng tôi biết”.

Tuy nhiên, ông Thống cho rằng không thể nào cấm được việc học trái tuyến. Thông thường phụ huynh ở đâu thì con em họ phải học ở đó. Nhưng nhiều trường hợp nhà ở quận này, nhưng phụ huynh lại làm ở quận kia nên phải học trái tuyến để tiện đường đón con.

“Nhà tôi ở Nghĩa Tân nhưng phải xin cho con về học ở Lò Đúc để tiện việc đón con. Những trường hợp như vậy là nhu cầu thực tế không ngăn cấm được” - ông Thống nói.

Ông Thống cũng không loại trừ trường hợp phụ huynh cho con học trái tuyến đơn giản chỉ vì trường chỗ nhà mình ở ngõ hẻm, sợ không đảm bảo hay đơn giản chỉ là... chạy theo phong trào.

Khắc phục tình trạng này, ông Thống cho biết trong nhiều năm nay thành phố đã xây dựng thêm nhiều trường học khang trang ở các khu vực xa trung tâm, điều chuyển cán bộ giáo viên, nâng phong trào giáo dục địa phương lên, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các trường lại gần nhau. Chắc chắn sau này việc chọn trường sẽ giảm bớt đi.

Khẳng định 100% trẻ 5 tuổi đều được đi học trường công lập nhưng đối với trẻ 3 – 4 tuổi ông Thống cho biết còn tùy vào từng khu vực cụ thể, chẳng hạn ở quận Ba Đình, Cầu Giấy chỉ đáp ứng được 30 – 40% số trẻ.

Theo Infonet

people like INLOOK.VN fanpage