Bạn đang ở đây

Vì sao Ebola trở thành đại dịch?

Khi một người bị nhiễm Ebola là khi virut làm suy yếu các tế bào miễn dịch của cơ thể bảo vệ chống lại sự nhiễm khuẩn.

Đại dịch Ebola lần này bắt đầu vào tháng 12/2013 và bùng phát vào tháng 2/2014 ở Guinea, từ đó virut lây lan sang các nước láng giềng Sierra Leone và Liberia. Kể từ khi Ebola được phát hiện cho đến nay đã có gần 1.150 trường hợp tử vong vì virut Ebola. Vậy nguyên nhân gì khiến Ebola phát triển thành đại dịch khiến tỷ lệ tử vong của con người tăng cao như vậy?

Ebola còn được gọi là bệnh sốt xuất huyết Ebola, một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao gây ra bởi virut Ebola lần đầu tiên được công nhận ở châu Phi vào năm 1976.

Triệu chứng ban đầu là sốt, nhức đầu, đau cơ, khớp, đau họng, người mệt mỏi tiếp theo là tiêu chảy, nôn mửa và đau dạ dày. Trong một số trường hợp bệnh gây phát ban, mắt đỏ và chảy máu.

Theo thống kê của Viện Y tế quốc gia, có tới 90% những người nhiễm Ebola tử vong vì căn bệnh này. Ổ dịch bùng nổ ở các nước châu Phi trong đó có Cộng hòa Dân chủ Công gô, Gabon, Sudan, Bờ Biển Ngà, Uganda và bây giờ là Guinea, Sierra Leone và Liberia.

Bệnh lây truyền qua đường nào?

Một trong những lý do tại sao các ổ dịch Ebola ở Tây Phi phát triển nhanh như vậy là do hoạt động của loài dơi ở châu Phi, dơi được các nhà khoa học ghi nhận là vật trung gian lưu trữ các virut gây bệnh.

TS. Daniel Bausch - nhà nghiên cứu y học nhiệt đới tại Đại học Tulane, người vừa trở về từ Guinea và Sierra Leone nơi ông làm việc trong đội cứu thương khẩn cấp cho biết "một loại virut rất nguy hiểm đã xuất hiện và bùng nổ tại nơi ít có khả năng kháng cự nhất thế giới".

TS. Bausch và các cộng sự đã xem xét những yếu tố có khả năng biến ổ dịch hiện tại thành ổ dịch Ebola mang tính toàn cầu và tỷ lệ tử vong cao nhất trong lịch sử.

Các loại virut gây dịch là loại nguy hiểm nhất của virut Ebola.

Có 5 loài virut Ebola và mỗi loài gây ra dịch bệnh tại các khu vực khác nhau, các nhà khoa học đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng thay vì virut Ebola Tai Forest được tìm thấy gần Guinea thì chính Ebola Zaire mới là thủ phạm gây nên đại dịch bùng nổ hiện nay. Virut này trước đây chỉ được tìm thấy ở 3 quốc gia tại Trung Phi là Cộng hòa dân chủ Công gô, Cộng hòa Công gô và Gabon.

Virut Ebola Zaire là loại nguy hiểm nhất của virut Ebola trong dịch bệnh bùng phát trước đây, số liệu ghi nhận tỷ lệ tử vong lên đến 90% các ca mắc bệnh do virut này gây ra. Nhưng bằng cách nào virut Ebola Zaire di chuyển được tới Guinea? Rất ít người du lịch giữa hai khu vực này, do vậy sau khi nghiên cứu các nhà khoa học đã chỉ ra thủ phạm lây lan virut chính là loài dơi.

Vì sao Ebola trở thành đại dịch?

Quốc gia nào có nguy cơ bùng phát?

Guinea không phải là nơi duy nhất dơi bay đến nhưng đây là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới, đứng thứ 178 trên tổng 187 quốc gia về chỉ số phát triển con người của Tổ chức Liên hợp quốc. Hơn một nửa dân số Guinea sống dưới mức chuẩn nghèo quốc gia và khoảng 20% sống trong nghèo đói cùng cực. Tương tự như vậy, Liberia và Sierra Leone xếp hạng 174 và 177 về chỉ số phát triển con người.

Một nền kinh tế nghèo đói kém phát triển dẫn đến hệ thống chăm sóc sức khỏe y tế nghèo nàn, lạc hậu và hoàn toàn không có sự phòng bị nào để ứng phó với đợt dịch bùng phát và thậm chí còn thiếu cả nguồn lực y tế cơ bản. Các nhân viên y tế tại đây còn không có găng tay bảo bệ, mặt nạ, bơm kim tiêm sạch và khử trùng để chăm sóc bệnh nhân. Do đó không tránh khỏi việc bệnh lây lan ngày càng rộng và khó kiểm soát.

Làm thế nào để sống sót trong đại dịch Ebola?

Khi một người bị nhiễm Ebola là khi virut làm suy yếu các tế bào miễn dịch của cơ thể bảo vệ chống lại sự nhiễm khuẩn, đặc biệt làm suy yếu tế bào miễn dịch gọi là CD4 và CD8 tế bào lympho T.

Theo TS. Derek - nhà nghiên cứu sinh học tại Đại học Lancaster, Anh: Nếu hệ miễn dịch của người bệnh kháng lại sự xâm nhập, phá hủy ban đầu của virut này có nghĩa các tế bào miễn dịch của người bệnh không bị phá hủy hoàn toàn trong giai đoạn đầu nhiễm khuẩn thì người bệnh sẽ có nhiều khả năng sống sót.

Các nhà khoa học cho biết, có một dấu hiệu liên kết với khả năng miễn nhiễm virut Ebola là một gen có trên kháng nguyên bạch cầu - B, một loại protein quan trọng trong hệ thống miễn dịch.

Một nghiên cứu tiến hành năm 2007 phát hiện ra rằng, những người có một số phiên bản của gen này được gọi là B*07*14 và B có nhiều khả năng chống chọi với virut Ebola trong khi những người có phiên bản khác được gọi là B*67*15 và B có nhiều khả năng tử vong khi bị nhiễm căn bệnh này.

Những người có khả năng miễn nhiễm với virut Ebola hoàn toàn nếu họ có đột biến gen NPC1. Nghiên cứu cho thấy, khi các nhà khoa học lấy tế bào từ những người có đột biến NPC1 và cho chúng lây nhiễm với virut Ebola trong đĩa thí nghiệm, kết quả cho thấy, các tế bào này hoàn toàn không bị nhiễm bệnh.

Ở châu Âu, tỷ lệ người có gen đột biến NCP1 là 1/400 nhưng tỷ lệ này chưa được xem xét ở các nước châu Phi. Tuy nhiên, vì các nghiên cứu về kháng Ebola chỉ mới trong giai đoạn thực hiện trong phòng thí nghiệm nên chưa tính được hiệu quả khi áp dụng thực tế. Các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa để tìm ra giải pháp xóa bỏ đại dịch này.

Theo Sức Khỏe và Đời sống

people like INLOOK.VN fanpage