Bạn đang ở đây

Đi tìm hồ Cấm Sơn

Người ta nhắc về hồ Cấm Sơn với nhiều chuyện, hồ Khói, làng quỷ ám, hồ nghiêm khắc nhất....

Bài hát Hồ trên núi thân quen, gần gũi với nhiều người được nhạc sĩ Phó Đức Phương sáng tác năm 1971, nhưng ít người biết để viết ca khúc ấy, tác giả đã lấy cảm hứng từ một chuyến đi thực tế đến hồ Cấm Sơn thuộc huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

Từ thị trấn Chũ ngược theo đường 297 qua đèo Váng, đến Tân Sơn đi khoảng 5 km, theo con đường đất đỏ bụi mù với những khúc cua tay áo liên tiếp, men theo những bản làng người Nùng, người Sán Chỉ, người Dao... với những ngôi nhà đất nâu óng màu thời gian du khách sẽ đến hồ Cấm Sơn.

 

 

Anh Hoàng Văn Viên - người nhiều năm mưu sinh trên mặt hồ Cấm Sơn, am hiểu từng ngõ ngách trên núi, dưới hồ, biết cả những câu chuyện dân gian của đồng bào dân tộc nơi đây - đã hướng dẫn chúng tôi dạo chơi một vòng quanh hồ bằng thuyền.


Anh Viên cho biết năm nay do ít mưa nên nước hồ thấp hơn nhiều so với những năm trước, nhưng hồ vẫn giữ được vẻ đẹp cố hữu giữa cảnh bao la của núi rừng, mây nước.

Cũng theo anh, người dân sống quanh hồ Cấm Sơn đến nay vẫn truyền tụng những câu chuyện huyền thoại, ly kỳ về sự tích núi Ba Hòn, suối Cấm, suối Mọc, suối Vảy Rồng, núi Kỉn, làng Mấn, đảo Lăn Lóc... những địa danh du khách sẽ khó quên dù chỉ một lần đến với vùng này.

 

 

Một chiều cuối tuần, tôi tìm đường vào hồ. Đường vào hồ chạy men theo con đường nhỏ qua vô số những ngôi nhà xinh xắn, những khu vườn với những hàng rào nở hoa găng tim tím, những cánh đồng ngô mơn mởn xanh.

 
Con đường cụt dừng lại tại bờ đập, nơi ngăn cách hồ Cấm Sơn. Không có đường đi quanh hồ từ phía này, chỉ có làn nước xanh và khung cảnh hữu tình mời gọi xa xa. Chiều buông nhanh trên lòng hồ. Chớp mắt, vạn vật đã tối một màu thăm thẳm.

 

 

Dòng Cấm Sơn xuất phát từ huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, đến Lục Ngạn bị chặn lại thành hồ. Với diện tích khoảng 2.650 ha, chiều dài khoảng 25 km, bề ngang nơi rộng nhất khoảng 7 km, hồ Cấm Sơn là máy điều hòa không khí khổng lồ cho miền sơn cước Lục Ngạn. Nhờ có hồ mà khí hậu trong vùng quanh năm ôn hòa, dịu mát, đồng thời hồ còn cung cấp nguồn nước tưới chính cho sản xuất nông nghiệp của hai tỉnh Hải Dương và Bắc Giang.

 

Lần tìm đường vào hồ Cấm Sơn vào sáng hôm sau, chúng tôi chạy theo con đường được chỉ dẫn mơ hồ trên mạng. Từ đường quốc lộ 1 đi Lạng Sơn, rẽ ngang sang Tân Sơn. Con đường đất đỏ đang làm, bụi mù mịt, xóc nẩy người.

 

 

Chỉ 5 km mà thấy dài bất tận. Vì hồ quá rộng, nên hỏi đường, mỗi người chỉ một hướng, đường nào cũng xuống đến hồ. Xe chạy ngoắt nghoéo qua những ruộng những nương, chạy vắt ngang qua vô số những nhà, những cửa. Trời nắng ấm áp. Đã thấy những đàn bướm trắng dập dờn khắp các ngả đường.

 
Con đường đất đỏ ngập tràn lá ải mục rơi rụng. Lác đác một vài ngôi nhà của người Dao, người Sán Chỉ lấp ló sau tán những vườn nhãn. Một vài dốc lên rồi xuống, nếu chẳng may trời mưa, đường cũng trơn trượt bánh xe quay tròn.

 

 
Không có đường đi vòng quanh hồ. Muốn vào các bản, chỉ có một cách là đi thuyền. Trôi trên lòng sông rộng, cảnh vật chầm chậm trôi. Lũ trẻ nô nhau trên sông, tiếng nói tiếng cười ríu rít. Những câu chuyện huyền thoại, ly kỳ về sự tích núi Ba Hòn, suối Cấm, suối Mọc, suối Vảy Rồng, núi Kỉn, làng Mấn, đảo Lăn Lóc... Làn gió mát dịu, êm đềm. Hồ Cấm Sơn còn nhiều điều để khám phá, nhưng đường về còn xa, đành hẹn một dịp khác. Đường vào đã được khai thông, lần sau sẽ không phải tìm vất vả như trước nữa.

 

Theo AF

people like INLOOK.VN fanpage