Bạn đang ở đây

Nhộn nhịp nhậu đêm Sài Gòn

Chưa bao giờ đất Sài Gòn lại bao la quán nhậu, lấn át cả nhà thuốc, bệnh viện, trường học… như bây giờ. Quán cóc, quán sang đủ loại mọc lên khắp các nẻo đường nội ô và nhộn nhịp khách từ sau 6 giờ tối.

Chuyện ăn nhậu dường như đã trở thành một trào lưu trong mọi giới. Với sự bùng phát dữ dội của "ly rượu", giới giang hồ ăn nhậu tự hào về sức khỏe của họ lắm. Ở thành phố được xem là năng động nhất Việt Nam cũng gần như không ngủ với các hàng quán nhậu ồn ào thâu đêm.

Gần khuya, các quán nhậu trên đường Nguyễn Tri Phương, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi... càng lúc càng đông khách. Thú vui ăn nhậu về khuya ở đất Sài thành diễn ra tưng bừng bất kể thời tiết mưa hay nắng, quên cả tình hình lạm phát với giá cả đang leo thang.

Vui nhậu, buồn cũng nhậu. Tiếp đối tác làm ăn, bạn bè lâu ngày gặp mặt, ăn mừng lên chức... với 1.001 lý do như vậy thì mọi người đều khó có thể từ chối một cuộc vui sau ngày làm việc.

 


Các cuộc vui thường kéo dài đến tận khuya ở quán nhậu.

 

Hầu như ngả đường nào ở thị thành này cũng có quán nhậu. Nơi nào cũng có thể trở thành chốn "thăng hoa" của mấy anh nhậu, từ ngả đường trung tâm đến ngoại thành vùng ven, từ quán sang dành cho giới thượng lưu đến vỉa hè của giới bình dân... Những con hẻm nhỏ 2-3 m, những khu nhà lá tùm hum... đều có bóng dáng của những chiếc ly cụng nhau côm cốp. Ấy là chưa kể những quán nhậu hạng sang khét tiếng mọc lên như nấm sau mưa tại các khu trung tâm thành phố để phục vụ các tầng bậc đại gia với những cô tiếp viên "chân dài tới nách".


Càng về khuya các quán dọc đường Nguyễn Tri Phương (quận 5), Phạm Hùng (quận 8), Thành Thái (quận 10), Nguyễn Thượng Hiền (quận 3)... khách đến nhiều hơn. Đội ngũ tiếp viên, phục vụ, trông giữ xe chạy bở hơi tai. Dù là quán lề đường hay nhà hàng sang trọng, hình ảnh mọi người ngồi uống bia nói chuyện rôm rả dường như quá quen thuộc ở Sài Gòn.

"Mình rất mệt nhưng vì đối tác mời nên buộc phải đi làm vài chai. Ban đầu bàn chỉ vài người nhưng sau đó tăng dần lên, cuối cùng mình cũng không nhớ là về nhà lúc mấy giờ nữa", anh Ngô Vương Minh Nhật, chuyên viên kinh doanh của một công ty viễn thông cho biết.

 


Cuộc vui ở một quán nhậu trên đường Lý Thường Kiệt của Nhật kéo dài tới nửa đêm với hóa đơn thanh toán gần 5 triệu đồng, nhưng đổi lại là những cái bắt tay cùng đối tác mới. "Không thể khác được đâu, vì công việc cả thôi. Mà nếu mình nhậu ít đi mà thấy quán sá cũng chẳng vắng đi", Nhật giải thích cho câu hỏi vì sao giá cả leo thang mà anh vẫn phải "dzô dzô".

Cũng lý do vì công việc, nhưng với anh Nguyễn Minh Tài ở quận 1, nhậu không phải để thắt chặt tình cảm với đối tác mà là tranh thủ gặp gỡ bạn bè. Anh phân trần: "Nhà làm ăn buôn bán đến 9 giờ tối mới đóng cửa, còn bạn bè thì cũng đi làm cả ngày, nên chỉ có thể gặp gỡ lai rai với nhau từ đêm muộn đến khuya".

Còn như nhóm của Ngọc cùng làm ở một trung tâm thương mại, thì các bạn đều là người ở tỉnh lên Sài Gòn làm việc khuya về tụ tập ăn uống tâm sự về công việc và cuộc sống. Ngoài ra hội họp bạn bè nói chuyện cho đỡ nhớ nhà, dần dần thành thói quen.

 


Sài Gòn có hàng chục khu phố thịt cầy như khu Thị Nghè (gần cầu Thị Nghè, quận 1), khu Hoàng Hoa Thám (trên đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình), khu Ngô Tất Tố (đường Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh)... Tuy vậy, phố thịt cầy Cống Quỳnh vẫn chiếm thế "độc tôn" của nó. Từ 9 giờ sáng cho đến 22 giờ đêm, phố thu hút hàng ngàn người khách đổ về. Theo giải thích của dân nghiện cầy tơ, thịt ở đây không chỉ ngon và rẻ, mà còn "mang đúng phong cách Bắc đấy". Một "chiến hữu" khác sau khi bước qua cụng ly còn bồi thêm: "Chỉ cần đến đó với một thằng bạn và 100.000 đồng là có một bữa no say, quên cả lối về".

 

Gần 11 giờ khuya, tiếng cụng ly ngày càng nhiều, tiếng "dzô" đồng thanh lớn khiến khu vực đường Nguyễn Tri Phương gần đoạn giao với phố Trần Hưng Đạo, quận 5, náo nhiệt hẳn lên. Dọc con đường này các quán mọc san sát nhau, bàn kê đầy hết lề đường, dưới lòng đường là đội quân giữ xe và mời khách khiến khu vực thường xuyên bị ùn tắc.

 


Khi đèn đường hắt bóng cũng là lúc dân nhậu Sài Gòn đổ xuống đường tác chiến.


Ở Sài Gòn, còn nhiều khu "chuyên môn hóa" như những khu phố trên: Khu lẩu dê Trương Định (đường Trương Định, quận 3), khu cá kèo trên đường Sư Thiện Chiếu (bên hông chùa Xá Lợi, quận 3), khu lẩu bò trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10)... Nơi nào cũng mang "phong cách" của những "khu ăn nhậu chuyên nghiệp".

Khi mô hình làng nướng xuất hiện ở TPHCM vài năm trước, dân nhậu rỉ tai nhau về quán "làng nướng Nam Bộ" trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10), từ cách thức bày trí quán cho đến thực đơn món nướng. Chính vì phong cách nhậu làng nướng được dân nhậu Sài Gòn ưu ái, hàng loạt các làng nướng mọc lên khắp Sài Gòn. Đến nay, phố nướng Trần Não (quận 2) chiếm ưu thế trong thế giới làng nướng Sài Gòn vì địa thế thoáng mát, rộng rãi, hằng đêm có chương trình hát với nhau khá xôm tụ. Thực đơn nướng tại đây thì không thể kể hết nổi, từ cá, tôm,  rắn, con bọ, con kiến... đều được đưa  lên vỉ nướng tuốt.

Nếu phố thịt cầy hút hồn các anh thì phố hải sản lại mê hoặc các chị mê nhậu. Hằng đêm, trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 10), Nguyễn Thượng Hiền (quận 3), phố hải sản cũng dập dìu phái nữ ngồi "tỉ thí" không thua gì cánh đàn ông. Phố hải sản ồn ào, chật chội chẳng kém phố thịt cầy, nhưng ở đây chỉ chuyên phục vụ các món tôm, cua, nghêu, sò, ốc, hến... Vì mồi nhậu là đặc sản nên giá cả cũng thuộc dạng đặc biệt. Một buổi nhậu mất đứt bạc triệu cũng là chuyện bình thường.

 

 

Ở thành phố này, dân nhậu phân biệt lãnh địa cứ như các bậc vua chúa tách bạch với dân thường. Dân sang thì nhậu dạng nhà hàng VIP, dân nghèo thì dạng bình dân, chẳng bên nào phạm bên nào. Nếu có "xâm canh" trật hệ thì khách trật hệ hay bị quê độ. Đơn giản bởi túi tiền dành cho một buổi nhậu của mỗi giới cao thấp khác hẳn nhau.


Song trong thời buổi giá cả đắt đỏ, lương thì vẫn như cũ, nhậu không ít đi, nhiều người buộc phải nghĩ ra nhiều chiêu để "gọi là tiết kiệm". "Lúc trước uống bia cao cấp, nay tiết kiệm thì chọn bia rẻ tiền hơn, gọi thức ăn không còn thoải mái như trước mà tính toán chừng mực vừa đủ", anh Nguyên, nhân viên một công ty truyền thông ở quận 10 nói. Với lương 5-7 triệu đồng một tháng, anh Nguyên luôn phải dè xẻn các khoản chi tiêu nhưng quỹ để nhậu thì lúc nào cũng có.


M.K. tổng hợp

Ảnh: Google

people like INLOOK.VN fanpage