Bạn đang ở đây

Tiếng rao đêm

Không biết tự bao giờ những tiếng rao trong đêm đã trở lên quen thuộc với người dân phố thị.

Sống ở Hà Nội, ai đó có thờ ơ đến mấy chắc cũng phải một lần nghe những âm thanh đó khắc khoải trong đêm để rồi thương cảm, gọi lại mua cho một vài đồng quà. Còn với những người thường xuyên thức khuya vì công việc, học tập hay lý do nào khác, những bước chân hàng rong trong đêm đã rất đỗi quen thuộc, gắn bó như người bạn đến hẹn lại lên.

 


Có hàng trăm thậm chí hàng nghìn người bán rong đêm, họ đến từ nhiều vùng quê khác nhau, chính vì vậy tiếng rao đêm cũng mang nhiều thanh âm khác nhau. Có tiếng rao ấm, có tiếng trầm, có tiếng trong…không ai giống ai. Điều này khiến giai điệu ẩm thực về đêm càng trở nên phong phú. Bởi vậy dù có sống ở Hà Nội có lâu đến thế nào, dù có thức trắng bao đêm nghe những âm thanh đó bạn cũng không bao giờ thấy có sự trùng lặp. Mỗi tối lại có một bản nhạc khác cất lên hòa cũng bản nhạc nhộn nhịp, náo động của ngoài kia phố phường tấp nập.

 


Cất lên cùng những bản nhạc "đa thanh sắc" đó là biết bao thức quà bình dị, dân dã mà thơm ngon: Là khoai nướng, là sắn luộc, bánh khúc, bánh mỳ, bánh bao, là bát cháo đêm…Tất cả chỉ gói gọn trong một cái thúng nho nhỏ đủ cho các cô, các chị đội đầu hay đèo theo xe đạp. Thi thoảng có bác kẽo kẹt quẩy hàng bằng đôi quang gánh…Những tiếng rao vụt qua rất nhanh trong đêm, chỉ cần "chậm chân" chút thôi là bạn có thể bỏ qua một bữa phụ đáp ứng nhu cầu của "anh bạn" dạ dày mỗi tối.

Giờ bán hàng đêm không bao giờ cố định, có khi mới chín, mười giờ đã thấy âm thanh quen thuộc đó vang lên. Nhưng cũng có khi đợi đến đỏ mắt mà vẫn chẳng có tiếng rao nào cất lên. Phải khi đêm đã về khuya, cái bụng đã kiến bò mà trời thì âm u mới thấy khát khao những âm thanh thường ngày làm phiền bao người kia quan trọng đến thế nào. Lúc đó mới chỉ nghe từ xa vọng lại thôi đã phải nhanh chân ra cổng đứng, chuẩn bị trước tiền, chỉ đợi tiếng rao gần hơn tí chút là phải gọi lại ngay…

Hà Nội cổ kính và trang nghiêm, chứa đựng rất nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp làm đắm say biết bao du khách xa gần. Trong đó những giá trị ẩm thực cũng là một phần không thể thiếu. Và tất nhiên văn hóa hàng rong cũng những thanh âm vang vọng mỗi đêm cũng là nét văn hóa độc đáo làm nên một Hà Nội rất riêng.

 

 

Lại nói về Sài Gòn, nơi dù ban đêm vẫn phảng phất hơi thở nhộn nhịp của ban ngày, tuy vậy vẫn không thể thiếu được những tiếng rao đêm. Từ rất lâu, những tiếng rao bán hàng rong về đêm đã trở thành một phần của cuộc sống đất Sài Gòn, đến nỗi nói như ông Ba Hạng ở phường 25, quận Bình Thạnh: "Đêm nào mà không nghe tiếng lắc xắc tiếng xóc đồng xu của thằng nhỏ đấm bóp, hay bánh chưng bánh giò, là tôi cảm giác thiếu cái gì đó, ngủ không ngon".

Chùm lắc xắc (gồm những chiếc nắp chai bia được xâu lại, khi lắc tạo ra tiếng kêu xúc xắc gây sự chú ý) của những người làm nghề đấm bóp giác hơi, những chiếc loa phóng thanh được thu âm sẵn thay cho tiếng người rao "bánh chưng bánh giò", "bánh mì Sài Gòn", những loại hàng hóa không mấy phổ biến thì người bán vẫn phải vất vả rao bằng miệng... tất cả góp nên bức tranh muôn màu muôn vẻ của góc phố Sài Gòn lúc lên đèn.

Ngày nay, phần lớn người bán hàng rong này là dân nhập cư, xem TP HCM như quê nhà thứ hai để mưu sinh.

Anh Hưng, quê ở Phú Thọ vào Nam lập nghiệp từ năm 2002, sống với vợ và 2 đứa con tại phường 15, quận Gò Vấp. Vợ anh ban ngày bán trái cây, tối về trông con, còn anh tranh thủ bán luôn cả đêm để kiếm thêm thu nhập, ngày nào cũng đi chiếc xe 67 cà tàng rong ruổi khắp thành phố để bán bánh chưng, bánh gai, bánh giò. Anh cho biết mấy năm gần đây người ở quê anh cứ bỏ hết ruộng vườn, nhà cửa tha phương cầu thực bởi ruộng đất bạc màu trồng lúa không đủ ăn.

 


Có những đêm trời mưa về đến nhà ướt sũng, sáng hôm sau cảm lạnh và viêm họng nặng không thể rao lớn được nên vợ chồng anh để dành được một khoản tiền mua lại chiếc xe 67 cũ và sắm thêm chiếc loa với máy cassette thu âm sẵn câu mời chào "bánh chưng, gai, giò" để đi bán cho tiện. Nhờ vậy mà công việc của anh đỡ vất vả hơn, giờ chỉ lo làm sao bán cho hết hàng.

 


Ngày nào cũng vậy, người mẹ trạc tuổi 40 này phải thức dậy từ 4h sáng đi chợ lấy hàng để bán và trở về nhà khi phố đã lên đèn. Trước đây chị ngồi bán ở công viên nhà thờ Đức Bà đỡ vất vả khoản đi lại, song từ hồi có lệnh cấm hàng rong, chị phải đổi địa bàn đến quận Bình Thạnh để bán dạo.

Đối với người dân Sài Gòn, các món ăn hàng rong như: Cá viên chiên, bò bía, há cảo, bánh giò... từ lâu đã trở thành những món ăn nhanh được ưa chuộng. Nhất là đối với những người phải làm việc ban đêm, khi các cửa hàng bán đồ ăn đã đóng cửa thì họ vẫn ngồi ngóng chờ những chiếc xe bán hàng rong đi ngang qua để mua như một thói quen thường nhật.

 

 

Tiếng rao đêm ở Sài Gòn và ở Hà Nội có thể khác nhau bởi hình thức nhưng ẩn sau mỗi tiếng rao đó là những câu chuyện tưởng chừng không bao giờ dứt.
 

M.K tổng hợp

people like INLOOK.VN fanpage