Bạn đang ở đây

Quảng cáo phản cảm: bất lực khi xử phạt

Hình ảnh phản cảm trong clip (được cho là quảng cáo cho một sản phẩm bánh ngọt) mà Don Nguyễn, người mẫu Chan Than San và Trà Ngọc Hằng, góp mặt đã làm dấy lên sự phẫn nộ của dư luận về sự phản cảm của nó.

Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp gần đây về hình ảnh phản cảm từ quảng cáo, khiến không ít người phải đặt ra câu hỏi về nhận thức của các người mẫu hiện nay trong việc hiểu về hình ảnh mà họ đang thể hiện, cũng như sự tác động của nó trong xã hội.

“Hi sinh” cho sản phẩm
Không chỉ khoe những đường cong nhạy cảm, sự đụng chạm riêng tư giữa người nam và người nữ, clip quảng cáo mà Trà Ngọc Hằng đăng tải trên mạng xã hội còn phản cảm ở hình ảnh Chan Than San liếm vết kem trên khóe môi Don Nguyễn. Clip này chỉ sau khi xuất hiện đã bị cộng đồng mạng “ném đá” tới tấp. Trước đó, cách đây vài tháng, những hình ảnh được chụp cho bộ lịch để quảng cáo cho một nhãn hiệu nước uống mà người mẫu Ngọc Trinh, Hoàng Yến, ca sĩ Yến Trang làm mẫu cũng bị dư luận lên án là dung tục, thậm chí có độc giả còn chỉ trích nặng nề là gợi dục. Ngoài trang phục thiếu vải, ba người mẫu trong bộ ảnh đã có những tư thế lả lơi, ánh mắt khiêu khích và gương mặt biểu cảm rất tượng hình về vấn đề nhạy cảm.

Hình ảnh quảng cáo của Don Nguyễn, Chan Than San và Trà Ngọc Hằng.
 

Cũng nằm trong dòng chuyện về hình ảnh quảng cáo, hoa hậu Mai Phương Thúy từng một phen chới với khi bị chỉ trích về cách lời ăn tiếng nói được cho là không phù hợp với phong tục và văn hóa Việt Nam khi xưng hô với người lớn mà thiếu kính ngữ. Clip này sau đó đã được VTV dừng phát sóng, và đơn vị sản xuất phải đều chỉnh lại hình ảnh của trong đó. 

Thực tế, sự phản cảm đó khiến clip tạo ra một tác dụng ngược so với ý đồ ban đầu. Dù chưa chính thức phát sóng, nhưng sản phẩm bánh ngọt trong clip của Trà Ngọc Hằng đã nhận được sự khẳng định tẩy chay của nhiều người, trong đó có nhiều người xưa nay vẫn yêu thích sản phẩm này.
 
Vẫn là chuyện nhận thức
Câu hỏi về nhận thức và phông văn hóa của một số người mẫu, hoa hậu hiện nay không hề là vô cớ. Sau hình ảnh phản cảm ấy, chỉ có Hoàng Yến là bảy tỏ sự hối tiếc, còn Ngọc Trinh thì lại cho rằng người mẫu chỉ làm theo yêu cầu của ý đồ người sản xuất, và xem động tác khiêu gợi của cô là đã hoàn thành tốt vai trò của mình. Tương tự, Mai Phương Thúy cũng khiến dư luận một lần nữa chỉ trích khi cho rằng nhiệm vụ của cô chỉ là tuân theo những gì mà kịch bản yêu cầu, cô không có quyền thay đổi hay chỉnh sửa kịch bản.


Ngọc Trinh, Hoàng Yến, ca sĩ Yến Trang trong quảng cáo nước giải khát.

Ảnh: Internet
 

Những lời bào chữa này khiến công chúng không khỏi ngao ngán, bởi nó chứng tỏ rằng các người đẹp này đã quên mất một điều căn bản: trước khi hoàn thành vai trò của một diễn viên cho clip nào đó, họ phải hoàn thành vai trò của một con người có văn hóa khi đang được xem là người đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Trong trường hợp này, yêu cầu của công việc đã đứng trước yêu cầu về nhận thức cần thiết, trách nhiệm với doanh nghiệp đã đứng trước trách nhiệm với công chúng.

Phản cảm là thế, nhưng việc xử lý các trường hợp này không hề dễ, bởi sự chồng chéo về quản lý và sự bất cập trước những yếu tố kỹ thuật mới. “Ở góc độ của nhà quản lý, chúng tôi cũng rất đau đầu về vấn đề này”, ông Trần Minh Phương, Trưởng phòng Quản lý Nghệ thuật – Sở VHTT&DL TP HCM cho biết. Cũng theo ông, mới đây nhất là “vụ án” Thanh Hằng và điếu thuốc điện tử, nhưng Sở cũng chỉ biết mời đơn vị tổ chức lên nhắc nhở, còn người mẫu thì chẳng thể áp quy định nào vào để xử phạt cả. Riêng với những clip đăng tải trên mạng xã hội càng khó xử lý hơn, bởi máy chủ mạng xã hội đó không nằm ở Việt Nam.
 

Theo Đất Việt

 
people like INLOOK.VN fanpage