Bạn đang ở đây

Nhà mạng "luộc" tiền khách: Im lặng thành vàng?

Ngày 9/1, các nhà mạng cho biết "hướng khắc phục sai phạm do tự ý cài ứng dụng, trừ tiền sai, tin nhắn lỗi... thu lợi từ khách hàng hàng trăm tỉ đồng hiện vẫn đang làm việc với thanh tra"
Đang thỏa thuận hướng khắc phục sai phạm
 
17 ngày (tức là hơn nửa tháng từ 24/12/2013-9/1/2014) sau khi thanh tra Bộ TT&TT công bố kết quả sai phạm liên quan tới ba nhà mạng Viettel, MobiFone và VinaPhone tự ý cài ứng dụng trừ tiền của khách hàng thu lợi hàng trăm tỉ đồng.
 
Khi trao đổi với báo Đất Việt đại diện truyền thông các nhà mạng cho biết "vẫn đang thỏa thuận với thanh tra về cách khắc phục".
 
Nhà mạng vẫn đang thỏa thuận hướng khắc phục với thanh tra Bộ TT&TT
Nhà mạng vẫn đang thỏa thuận hướng khắc phục với thanh tra Bộ TT&TT
 
Ông Nguyễn Trọng Sơn - Phòng truyền thông MobiFone cho biết, "Hiện nay MobiFone đang làm việc với Thanh tra Bộ TT&TT để có phương án xử lý, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho khách hàng. Chúng tôi sẽ thông tin lại khi làm việc xong với Thanh tra Bộ".
 
Hơn nửa tháng, sai phạm của các nhà mạng chưa thấy bị xử lý, các nhà mạng vẫn thỏa thuận cách khắc phục, trong khi đó ứng dụng được tích hợp trên sim vẫn tồn tại và vẫn mặc nhiên trừ tiền của khách hàng vô tội vạ. 
 
Cụ thể, ngày 8/1, dịch vụ SuperSIM và LiveInfo của MobiFone, IOD của VinaPhone được cài sẵn trên sim điện thoại cho phép tải thông tin và tính phí vẫn tồn tại mà không có niêm yết giá cước hay bất kỳ cảnh báo nào cho thấy khách hàng lựa chọn dịch vụ sẽ bị tính phí. 
 
Dịch vụ Super Sim và LiveInfo của MobiFone khách hàng đã bị trừ 2.000 đồng cho một lần chọn Kết quả bóng đá. Như vậy, từ sự lập lờ, không rõ ràng nhà mạng có thể thu về cả tiền trăm từ sự thiếu hiểu biết của khách hàng. 
 
Tương tự với dịch vụ IOD của VinaPhone cũng vậy, khách hàng nghiễm nhiên bị trừ 500 đồng cho một lần lựa chọn tiêu đề dịch vụ. 
 
Tình trạng này cũng vẫn xảy ra với dịch vụ Viettel Plus của Viettel. Dịch vụ Viettel Plus của Viettel vẫn tự động cập nhật khi khách hàng kích hoạt sim. Với dịch vụ dạng câu hỏi mở, khách hàng chỉ cần nhỡ tay hoặc tò mò lựa chọn "ok" là nghiễm nhiên bị trừ 2.000 đồng.
 
Lý giải về sự chậm chễ gần như bỏ mặc khách hàng, đại diện truyền thông nhà mạng VinaPhone cho biết "VinaPhone đang làm việc lại với thanh tra và cùng các bộ phận tổng hợp các con số để báo cáo". Trong khi đó, Viettel từ chối đưa ra ý kiến. 
 
Trước đó, ngày 24/12/2013, thanh tra Bộ TT&TT đã chỉ rõ tại VinaPhone, chỉ tính trong một năm (từ tháng 6/2012 đến tháng 6/2013) đã đạt doanh thu hơn 20 tỷ đồng từ ứng dụng IOD; tại MobiFone đạt hơn 150 tỷ đồng từ ứng dụng SuperSim và LiveInfo.
 
Ở Viettel, tình trạng này cũng tương tự khi nhà mạng cài sẵn phần mềm Viettel Plus trên sim điện thoại bán cho người sử dụng có chức năng cho phép tải thông tin và tính phí.
 
Thanh tra Bộ TT&TT đã yêu cầu VinaPhone hoàn lại tiền cước sử dụng các tin nhắn lỗi, tin nhắn sai cú pháp, tin nhắn không được cung cấp dịch vụ với tổng số tiền gần 693 triệu đồng.
 
Tương tự, mạng MobiFone cũng phải hoàn lại gần 817 triệu đồng nhưng đến nay còn hơn 227 triệu đồng không thể hoàn lại vì khách hàng đã rời mạng.
 
Không những chưa khắc phục, những dịch vụ "luộc" tiền của khách hàng một cách bất hợp pháp vẫn tiếp tục tồn tại.
 
Khách hàng mất lòng tin
 
Sau khi thanh tra Bộ TT&TT yêu cầu các nhà mạng phải khắc phục và có cảnh báo rõ ràng khi đưa ra dịch vụ và công bố mức phí khách hàng có thể bị mất khi lựa chọn dịch vụ này, tránh tình trạng “gài bẫy” khách hàng. Nhiều độc giả đã bày tỏ nghi ngại với cách xử lý của thanh tra đồng thời cũng chia sẻ thất vọng với dịch vụ của các nhà mạng này. 
 
"Một cơ chế quản lý như vậy là nguồn gốc hình thành nhóm lợi ích. Đề nghị CA và Ban nội chính Trung ương vào cuộc bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật", độc giả Van Hoat đề nghị.
 
Trong khi đó, độc giả Phạm Đình Khang đã chỉ ra một lối làm ăn chụp giựt, coi thường khách hàng làm lợi bằng mọi giá của các nhà mạng đã làm suy giảm lòng tin đối với khách hàng. 
 
Độc giả này viết: "Lấy thu bù chi: đó là lối làm ăn "chụp giựt" "bán rẻ thương hiệu" "xem thường khách hàng" "coi trời bằng vung" của các Tập đoàn, DNNN vốn xưa nay "có lợi thế,độc quyền" nhưng làm ăn bết bát, lỗ dòng, nợ xấu ngất ngưởng... Rồi cái gì đến tất sẽ đến. Thôi! khách hàng chúng ta chỉ là "ếch ngồi đáy giếng" có kêu mãi thì cũng chẳng có Vina, Mobi, Viet.. nào nghe đâu? Chi bằng không xài các tiện ích "bẫy" hoặc không xài cái Alo bỏ túi thì các nhà mạng mới không có khách để mà "móc túi" !!!".
 
Còn độc giả Nguyen Hung thì thẳng thắn phê phán một doanh nghiệp nhà nước mà lại có hành vi lừa đảo khách hàng. Độc giả này nói: “Doanh nghiệp nhà nước lừa đảo người tiêu dùng thì quá mất uy tín, phải xử nghiêm vụ này. Quá xấu hổ các vị lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước ơi”.
 
Trong khi đó, phía thanh tra Bộ TT&TT vẫn chưa hề có phản hồi thêm về việc sẽ xử lý các nhà mạng thế nào và đã xử lý đến đâu. Điều này cũng khiến khách hàng nghi ngại xung quanh cách xử lý của Thanh tra Bộ. 
 
Độc giả Minh Quang lý giải: “Thực ra việc bắt ép khách hàng diễn ra từ rất lâu và theo nhiều cách. Trước đây những việc làm này được "bỏ qua". Gần đây, chỉ khi nhà mạng tăng giá quá đáng và "bỏ qua" ý kiến của cơ quan quản lý thì mới bị "phanh phui" thôi. Tuy nhiên, "phanh phui" như thế cũng chỉ để "làm ăn" với nhau thôi, chứ không phải vì quyền lợi của khách hàng đâu, không thế thì tại sao lại có chuyện cho "tự xử".
 
theo Thái An - baodatviet
people like INLOOK.VN fanpage