Bạn đang ở đây

Một lần đến Rome để không hối tiếc

Những du khách đã từng đến Rome đều muốn quay lại, một trong số đó chia sẻ: "Nghe kể rằng, do không còn tiền bảo tồn, trùng tu, nhiều di tích cổ xưa có giá trị văn hóa, lịch sử ở thành phố này đang dần sụp đổ..."

Khi chiếc máy bay của Hãng Air France hạ cánh xuống sân bay quốc tế Leonardo Da Vinci - Fiumicino, trời đã tối khuya. Lân la nơi cửa nhà ga đến là vài ba bác tài lớn tuổi mời chào du khách. Họ chẳng phải tài xế taxi, mà là những người nghỉ hưu kiếm thêm ít tiền với chiếc Fiat cà tàng cũ kỹ. Tuy bận rộn chào mời cuốc xe giá rẻ, nhưng mắt họ không quên cảnh giác, thấy bóng dáng những carabinieri (cảnh binh quốc gia Ý) là vội vã chuồn êm ngay.

Sau vài câu mặc cả, tôi đồng ý trả 30 euro (900.000 đồng) cho hành trình 35 km vào trung tâm thành cổ Roma. Nhà trọ có thể đặt qua internet nằm ở một trong rất nhiều con đường nhỏ chạy song song với Via della Conciliazione, đại lộ rộng lớn dẫn thẳng vào Piazza San Pietro, tức Quảng trường Thánh Phêrô, điểm đến tham quan của khoảng 4,2 triệu du khách mỗi năm.

 

 

Vừa lái xe thật nhanh vừa huyên thuyên chỉ trỏ những danh thắng Rome đen ngòm trong màn đêm, bác tài kết thúc bằng lời "dụ dỗ" khi chiếc xe đỗ trước nhà khách: "Nếu bạn thích, sáng mai tôi sẽ quay lại chở bạn đi tham quan thành phố, tôi là người sinh ra và lớn lên ở đây. Tôi biết nhiều nơi rất đáng xem và sẽ lấy giá rẻ thôi". Tôi phải nói lời "grazzia" (cám ơn) vì kinh phí eo hẹp, sẽ tự mình đi bộ khám phá kinh thành vĩnh cửu, rồi biếu ông 2 euro (60.000 đồng) để "sáng mai uống cappuccino".

Bình minh, ngồi trong một quán nhỏ uống ly chocolate thơm nóng, chuẩn bị sức lực cho một ngày khám phá Đền thờ Thánh Phêrô, Bảo tàng Vatican, nhà nguyện Sistine, quảng trường Navona, đền Pantheon, nghị trường Forum Romarium, giếng Trevi và "tam đại thánh đường" khác của Rome (là Đền thờ Yoan Lateranô, Đền thờ Đức bà cả Santa Maria Maggiore và Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành).

Tôi hơi áy náy vì hiểu ra khoản tiền bồi dưỡng đã trao cho bác tài già tối hôm qua là quá khiêm tốn, vì ở Rome, tách cappuccino có giá từ 4 euro (120.000 đồng) trở lên.

 

 

Đã có nhiều người nói rằng, trong thời kinh tế khó khăn, Rome tránh được phá sản là nhờ có quá nhiều danh thắng, di tích, đền đài, dinh thự mỗi năm thu hút hàng chục triệu du khách đến tham quan. Nếu chưa hề đến Rome thì bạn hãy thu xếp nhanh chóng một lần đến thăm để sau này khỏi phải tiếc nuối.

Thiếu tiền trùng tu, bảo tồn, những di tích cổ đang nối tiếp nhau hư hỏng. Năm ngoái, mái dinh thự vàng của Hoàng đế Neron đã sụp đổ, làm hư hại trần nhà lát vàng và một hành lang đẹp. Nhiều tảng đá thi nhau rớt ra khỏi đại hí trường Colosseum và tường thành Aurelian nay chỉ còn vài đoạn ngắn cũn, trở thành nơi tập trung của những đàn bồ câu.

 


Bộ Văn hóa Ý đang hy vọng sẽ có mạnh thường quân đồng ý tài trợ vài triệu euro để ngôi biệt thự 1.800 năm tuổi của Hoàng đế Hadrian ở ngoại ô Rome có thể tiếp tục mở cửa, mỗi năm tiếp nhận 250.000 lượt khách tham quan.

Cũng may là nước Ý nói chung - hạng nhất thế giới về số lượng di sản thế giới được UNESCO công nhận (46 di sản) - và Rome nói riêng còn có khá nhiều tỷ phú đang ra sức góp phần bảo vệ di sản quốc gia.

Đó là những ông Luca Cordero di Montezemolo, nhân vật số 1 hãng xe Ferrari; Diego Della Valle, chủ tịch thương hiệu giày da và đồ da Tod’s lừng danh thế giới; Giorgo Armani, nghệ nhân chính đằng sau thương hiệu cùng tên, và còn là các gia đình sở hữu các nhãn hàng hiệu Bvlgari, Gucci...

 


Ở Kinh thành vĩnh cửu, nơi du khách tìm đến để tự thưởng cho mình một khoảnh khắc "la dolce vita" (cuộc sống êm đềm) với espresso vào buổi sáng, prosecco (loại vang trắng sủi tăm thơm ngon, nổi tiếng không thua gì các loại champagne ở Pháp) lúc xế chiều và vang đỏ chianti vào buổi tối cùng với pizza, spaghetti cabonara, gelati (kem)..., bạn sẽ rất khó tìm thấy cửa hàng thức ăn nhanh.

Ở hầu hết các quán "caffè" của Rome, bạn phải tiến đến quầy gọi espresso, cappuccino, trả tiền xong mới nhận được thức uống. Coi chừng, ở một vài quán, ngồi uống ở các bàn bày phía ngoài sẽ bị tính tiền gấp... 3 lần!


Một trong những danh thắng thu hút rất đông du khách vào buổi chiều là Spagna (hoặc Spanish steps), một quảng trường thực ra không rộng lớn lắm nhưng rất đẹp, với hồ nước hình chiếc thuyền, những bậc thang dài dẫn lên ngôi giáo đường dựng phía trên đỉnh đồi, những sạp hoa đủ màu khoe sắc, mùi hạt dẻ nướng phảng phất trong không khí.

 

Một góc quảng trưởng Spagna.


Spagna đặc biệt hấp dẫn những du khách nữ thích mua sắm vì gần đó là Via Condotti với những cửa hàng gắn bảng hiệu Armani, Bvlgari, Brioni, Chanel, Dior, Dolce & Gabbana, Fendi, Gucci, Prada, Valentino, Versace...

Đây là con đường đắt đỏ nhất ở Rome, góp phần làm cho Rome được xem như là thủ đô thời trang thứ tư của thế giới (sau Milan, New York và Paris, nhưng trên London).

Và nếu chịu khó đi bộ thêm vài trăm mét, đến phố Via del Corso bạn sẽ thấy có những cửa hàng bán hàng thời trang với giá dễ chấp nhận hơn, từ 20-100 euro (600.000-3.000.000 đồng). Còn ở phố Via della Croce (con đường thập giá) có nhiều cửa hàng chuyên bán găng tay đủ loại, đủ kiểu, đủ màu.

 


Thực ra, có thể dễ dàng nhận thấy, ở rất nhiều vỉa hè của thành phố Rome là những "cửa hàng di động" bán nón, khăn quàng, găng tay, đồ lưu niệm, sách du lịch, bưu thiếp và áo thun (in hình con chó sói cái đã nuôi lớn hai anh em Remus và Romulus sau này dựng nên Rome). Dựng ven lề đường là hàng dài những chiếc môtô Piaggio, Ducati, BMW, Yamaha và Honda...

Hoàng hôn đã buông xuống, thả bộ dọc theo bờ sông Tiber với mái vòm nổi bật của Đền thờ Thánh Phêrô và lấy pháo đài Sant Angelo làm điểm định phương hướng, tôi trở về nhà trọ.

 

Trong một quán caffé ở Rome.


Sáng mai phải thức dậy rất sớm, xe sẽ đến rước về điểm tập trung du khách đi về hướng nam, trên Via del sol (con đường ánh dương) để đến Naples. Gần đó, thành phố cổ Pompeii cũng đang có nguy cơ đổ nát như căn nhà từng là nơi sinh sống của các võ sĩ giác đấu cách nay 2.000 năm đã tan tành hồi tháng 11/2010 qua, cũng vì thiếu kinh phí trùng tu, bảo tồn.

 

P.D.N.

people like INLOOK.VN fanpage