Bạn đang ở đây

Cơ hội nào cho doanh nghiệp SME đổi mới công nghệ?

Đổi mới công nghệ luôn là bài toán nan giải đối với các doanh nghiệp SME trong sứ mệnh phát triển, vậy những rào cản đó là gì, và đâu là giải pháp?

Công nghệ, đặc biệt công nghệ mới, công nghệ tiên tiến là công cụ giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh thông qua việc cải tiến đổi mới sản phẩm (dịch vụ) với chất lượng ngày càng nâng cao, năng suất lao động tăng và tối ưu hóa hoạt động hậu cần trong chuỗi giá trị nội sinh của doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp SME, tính “tinh nhanh” (hay nói hoa mỹ là sự uyển chuyển) luôn được ghi nhận nổi trội, mặc dù vậy năng lực luôn ở ngưỡng tới hạn, đối với bài toán đầu tư đổi mới công nghệ thực sự là thách thức cho các doanh nhân và là “giấc mơ” của các chuyên gia công nghệ. Chỉ khi sự thách thức của doanh nhân được giao thoa được với “giấc mơ” công nghệ thì cơ hội đổi mới  mới thực sự mở ra.

Những năm vừa qua tốc độ phát triển khoa học và công nghệ được đẩy lên cao, việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới trong sản xuất kinh doanh đã khẳng định vai trò quyết định trong bài toán phát triển của một doanh nghiệp. Tuy nhiên khi bàn về công nghệ hay cụ thể là đổi mới, nâng cấp công nghệ thì luôn làm đau đầu các ông chủ doanh nghiệp, câu hỏi thường trực đầu tiên là “tiền đâu?” kế đến là một chuỗi các vấn đề phân vân khi triển khai đổi mới, câu hỏi cuối cùng mang tính chốt chặn lại là “nguồn nhân lực” nào giúp bài toán đổi mới công nghệ thành công?

Những câu hỏi bản lề nêu trên thực sự là trở lực lớn với doanh nghiệp Việt Nam và dường như là đỉnh núi không thể vượt qua với khu vực SME. Lý giải điều này thế nào? Cần làm gì để mở ra cơ hội cho doanh nghiệp SME sẵn sàng đổi mới công nghệ? Đó thực sự làm một chủ đề đòi hỏi các chuyên gia kinh tế, công nghệ và kỹ thuật phải đầu tư nhiều hơn cả việc thoải mái phát biểu tại nhiều diễn đàn, trên truyền thông và tại các sự kiện hoành tráng.

Ba thách thức với bài toán đổi mới công nghệ: Tốc độ thay đổi nhanh, đâu đó người ta nói là vòng đời công nghệ ngắn, cực ngắn; quy mô công nghệ ngày càng lớn và tích hợp phức tạp, vượt qua năng lực công nghệ nội sinh của một doanh nghiệp, đòi hỏi phải liên kết nhiều cấu thành nguồn lực khi triển khai ứng dụng, đổi mới công nghệ; cuối cùng là đầu tư tài chính lớn, đây thực sự là thách thức ban đầu làm nản lòng các doanh nhân. Nếu có thể vận hành mô hình tối ưu 3 thành tố trên trong một bài toán đổi mới công nghệ thì cơ hội đổi mới công nghệ mới thực sự được mở ra.

Điều này chỉ có thể có được khi cùng có sự nhìn nhận chung của ba định chế : một là, nguồn cung công nghệ; hai là, nguồn cung tín dụng tiến bộ; và cuối cùng phải là văn hóa phát triển mở để xây dựng năng lực công nghệ nội sinh cho doanh nghiệp.

 

NÚT THẮT TÀI CHÍNH

Nói gì thì nói với doanh nghiệp "vốn" là dinh dưỡng, "dòng tiền" là máu. Với SME mọi thứ đều tới ngưỡng, đặc biệt là vốn. Trong quá trình vận hành phát triển các nguồn tín dụng truyền thống được khai thác tối đa, không có cơ hội gia tăng cho các dự án đổi mới, đó thực sự là rào cản đầu tiên mọi "ông chủ" phải vượt qua nếu muốn thay đổi công nghệ. 

Elon Musk của Tesla có chia sẻ gần đây rằng thay bằng việc đổi mới sản phẩm thì các CEO mất quá nhiều thời gian vào câu chuyện tài chính. Sản phẩm, dịch vụ mới thực sự giúp doanh nghiệp hùng mạnh, không phải các số liệu tài chính. Mặc dù là vậy, nhưng với SME thì lại khác, vốn là dinh dưỡng, dòng tiền là máu. Thiếu vốn tự khắc suy dinh dưỡng, nhưng thiếu dòng tiền thì đồng nghĩa mất máu, vì thế "ông chủ" không có cơ hội rời xa các con số tài chính. Vậy phải làm gì để tháo nút thắt này?


Thông qua các đối tác, SIHUB thuộc Sở KHCN TPHCM triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp

Dù biết rõ sự cần thiết đổi mới công nghệ, đôi lúc nó có ý nghĩa sống còn nhưng chủ doanh nghiệp luôn nhức nhối tìm câu trả lời cho câu hỏi quyết định ngay lúc đầu "tiền đâu?", đây mới chỉ là câu chuyện vốn. Lưu ý, các dự án đổi mới công nghệ luôn có độ trễ của hoa lợi phát sinh sau đổi mới. Cần một chu kỳ để thẩm thấu "công nghệ" và lúc này dòng tiền luôn là vấn đề, đó thực sự là thách thức không nhỏ mà một ông chủ thực thụ phải dự tính.

Có rất nhiều dự án đổi mới công nghệ vượt qua giai đoạn đầu tư một cách dễ dàng, nhưng đổ gục trong giai đoạn chờ lợi ích từ sản phẩm, dịch vụ mới. Nhìn từ góc độ kỹ thuật tôi thường nói đùa đây là lúc phải "chạy thận" nhân tạo. Vậy là đối với SME muốn đổi mới công nghệ thì điều kiện cần ban đầu quyết định phải có nguồn vốn và cần có "máy thận" cho giai đoạn vượt qua độ trễ trước khi thương mại hóa thành công sản phẩm, dịch vụ mới. 

Nếu các nguồn tín dụng truyền thống đã khép cửa thì rõ ràng cần phải có nguồn tín dụng phi truyền thống, cụ thể trong trường hợp này nhiều quốc gia có thêm loại hình "tài chính công nghệ", và chắc chắn rằng đây là lúc cần bàn tay vô hình can thiệp, bàn tay chính quyền. Cũng xin lưu ý tiền của chính quyền chỉ là thuế của dân không thể tùy tiện ném cho doanh nghiệp, đặc biệt không thể mạo hiểm đầu tư. Tuy nhiên đó là nhìn từ phương diện tài chính, nhưng về thị trường và cạnh tranh lành mạnh thì chính quyền sẽ khó lý giải cho việc tài trợ cho doanh nghiệp A mà không tài trợ cho doanh nghiệp B cùng một lĩnh vực sản phẩm, dịch vụ, dù cho doanh nghiệp A có tốt đến mức độ nào.

Giải bài toán này, chính quyền thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) có một giải pháp khá hay, kết hợp chính quyền và các định chế tài chính, cụ thể ở đây là ngân hàng và bảo hiểm. Doanh nghiệp SME khi đổi mới công nghệ (lưu ý chính sách này chỉ hỗ trợ SME của thành phố Thượng Hải) có thể cung cấp hồ sơ cho chính quyền thành phố (thông qua Ủy ban Khoa học và Công nghệ), chính quyền sẽ thẩm định tính khả thi công nghệ, kết nối với ngân hàng và bảo lãnh cho một nguồn tín dụng không cần thế chấp với điều kiện là SME phải mua bảo hiểm cho gói tín dụng. Trong trường hợp xấu nhất sảy ra rủi ro, thì chính quyền hỗ trợ bồi thường một phần cho ngân hàng và chắc chắn bảo hiểm sẽ trả cho ngân hàng phần còn lại. Tỷ lệ hỗ trợ của chính quyền tùy vào gói tín dụng công nghệ, gói càng lớn thì tỉ lệ càng thấp cho đến quá 15 triệu USD thì chính quyền không tham gia bồi thường. Với các gói nhỏ dưới 1,5 triệu USD và một số lĩnh vực công nghệ khuyến khích, chính quyền tham gia bồi thường đến 60% trị giá gói tín dụng nếu có rủi ro. Việc bồi thường của chính quyền sẽ thông qua một quỹ đầu tư phát triển của chính quyền thành phố. Mọi quy trình từ xét duyệt, thẩm định và giải ngân đều công khai minh bạch. Sau 5 năm đầu tiên gần đây tỷ lệ các dự án thất bại của chương trình này chỉ có 2%. 

Cho đến nay thì chính sách hỗ trợ cho đổi mới công nghệ trong khu vực SME của chúng ta là chưa rõ ràng, ngoại trừ một số chương trình kích cầu địa phương trong khu vực đặc thù (như hàng loạt chương trình thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, cũng như chính sách hỗ trợ cho các ngành công nghiệp hỗ trợ của TP.HCM), tuy nhiên cũng không thực hấp dẫn SME và hiệu quả. Có thể học Thượng Hải hay không hoàn toàn phụ thuộc vào chính quyền; nhưng có thể khẳng định nếu không có một chính sách đặc biệt, mạnh mẽ, tạo ra các nguồn tín dụng phi truyền thống hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ thì câu hỏi tiền đâu là không có lời giải.

Về vấn đề thứ hai là dòng tiền, hay như trên nói là quá trình "chạy thận" nhân tạo, đây là vấn đề về quản trị đặc thù nhiều hơn là một chiến lược tổng thể, vì thế nó phụ thuộc vào doanh nghiệp, loại hình kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ, khó có một mô thức chung. Tất nhiên độ trễ là điều chắc chắn hiện hữu nên đây là một lưu ý doanh nghiệp trong quá trình triển khai đổi mới. Quá trình thương mại hóa một sản phẩm công nghệ thường được các chuyên gia đề cập đến một khái niệm "biển chết", nơi toàn cá mập khát máu. Với các công ty phát triển công nghệ đã sống còn qua "thung lũng chết" thì rất dễ bị cá mập ăn khi qua "biển chết", đây chính là độ trễ của "công nghệ mới". Trong bài toán đổi mới công nghệ độ trễ của hoa lợi cũng tương đương với việc đi qua vùng biển chết, khi này dòng tiền luôn thiếu hụt, doanh nghiệp phải đưa ra các giải pháp bù đắp thích hợp.

(còn tiếp)

Cường Thân

* bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả là một chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực tài chính, khoa học - công nghệ

 

 

people like INLOOK.VN fanpage