Bạn đang ở đây

Băng nhạc cassette: Một thời đã qua

Sự trở lại của đĩa nhựa vinyl trong vài năm gần đây (doanh số đĩa nhựa trên thế giới tăng đều trong vài năm gần đây) không hề có dấu hiệu tốt lành gì để kéo theo người bạn (đã từng là đối thủ) là băng cassette trở lại.

Trời nóng, lựa chọn của dân Sài Gòn là ra Vũng Tàu tắm biển hay lên Đà Lạt hóng mát. Cái nắng oi bức cháy da cháy thịt này thì đi chân trần ở biển không lấy gì làm thú vị lắm nên Đà Lạt là nơi mà tôi lựa chọn, dù rằng chợ Đà Lạt ban đêm không khác gì chợ Sài Gòn bởi đầy dân Sài Gòn. Lang thang ở khu Hòa Bình chợ Đà Lạt, lâu lắm rồi mới thấy lại băng cassette thu chương trình nhạc với bìa photo được gấp lại nhét vào hộp. Chính những cuộn băng cassette với bìa lem luốc đen đúa đó đã đưa tôi đến với âm nhạc.

Sự trở lại của đĩa nhựa vinyl trong vài năm gần đây (doanh số đĩa nhựa trên thế giới tăng đều trong vài năm gần đây) không hề có dấu hiệu tốt lành gì để kéo theo người bạn (đã từng là đối thủ) là băng cassette trở lại. Hai định dạng chứa nhạc này đã bị đánh tơi tả bởi đĩa CD và trong tình hình chính đĩa CD cũng bị tấn công tới tấp bởi nhạc digital, chỉ có mỗi đĩa nhựa là đủ chất hoài cổ về hình thức và thuyết phục về âm thanh để tái xuất giang hồ.

 

Băng cassette chỉ còn là ký ức một thời.


Cách đây khoảng 20 năm, thương xá Tax chưa khang trang như bây giờ mà còn mang tính mậu dịch (tên chính thức là cửa hàng bách hóa tổng hợp thành phố) xen lẫn con buôn. Nhưng đối với tôi, đó là một trung tâm phát tán âm nhạc thời đó. Vây quanh thương xá Tax là các kiosk thu nhạc, gần đó là chợ Huỳnh Thúc Kháng bán băng trắng rẻ nhất Sài Gòn. Trong Tax, ở dưới chân cầu thang là các quầy bán băng cassette luôn nhộn nhịp và tấp nập.

Băng cassette thời đó có nguồn gốc từ Thái, để trong hộp nhựa mềm màu đen, bìa có màu sắc sặc sỡ nhưng không sắc sảo. Phần còn lại là băng thu từ đĩa CD. Ấn tượng nhất của tôi lúc đó là có lần đang đứng ngẩn ngơ trước một quầy, có anh nọ đen đen mập mập, hơi lem luốc và hỏi mua băng Number of the Beast của Iron Maiden. Đối với tôi lúc đó, Iron Maiden là đỉnh cao của nhạc rock nặng nên rất ngưỡng mộ những ai có khả năng thẩm thấu nhóm nhạc đầu tàu thuộc dòng New Wave of Bristish Heavy Metal.

Các tiệm thu băng thời đó luôn rộn ràng khách khứa. Một cửa hàng thu băng ở đường Lý Chính Thắng đã đủ sức mở rộng thành chuỗi thêm 2-3 cửa hàng nữa ở Hai Bà Trưng và Võ Văn Tần. Một cửa hàng khác cũng gần đó ở Lý Chính Thắng (của diễn viên Lê Hải) có chi nhánh ở Cao Thắng. Cao Thắng lúc đó cũng là một con đường thu băng quen thuộc của tôi, vì gần nhà và vì có khá nhiều lựa chọn. Thu băng nhạc hải ngoại có tiệm gần rạp Thăng Long, thu rock có tiệm gần ngã tư Cao Thắng - Nguyễn Đình Chiểu, đối diện xéo xéo tiệm này có tiệm thu từ đĩa nhựa khá hiếm hoi. Thời đó thế giới vừa chớm bước qua thời đại CD nên đĩa nhựa lộ ra quá nhiều khuyết điểm và tiệm thu băng này nhanh chóng đóng cửa sau khi tôi thu được một đĩa nhựa nhóm Platters nổ lụp bụp đầy chất vinyl. Một nơi thu băng hơi chảnh và khó tính là Thanh Nhân lúc đầu ở Nguyễn Huệ, sau này chuyển qua Ngô Đức Kế. Mạnh nhất về thu rock lúc đó là Đạt cận (Nguyễn Đạt của nhóm Da Vàng), tôi nhớ tìm cả thành phố không thấy đĩa của nhóm Galatic Cowboys thì anh Nguyễn Đạt lại có đến 2 đĩa!

 

Băng cassette khó có sự trở lại như đĩa nhựa hay băng cối.


Mua băng cassette để thu nhạc riết đâm ghiền, tôi chuyển qua sưu tầm băng hiệu lạ. Vì không còn lưu giữ lại được toàn bộ băng cassette khởi đầu sự nghiệp nghe nhạc nên không còn nhớ nổi những hiệu lạ đó nhưng chắc chắn bên cạnh TDK, Maxwell và Sony, tôi có tha về được một mớ những hiệu rất ít được sử dụng và để dành thu những album không quan trọng lắm. Những đĩa nhạc thuộc hàng top của mọi thời sẽ được thu vào các băng chrome hay metal hoặc ít ra cũng hiệu có tên tuổi. Những hiệu linh tinh sẽ được dành cho các album lạ lẫm khác.

Đến thập niên 1990, cassette bước vào cái chết từ từ dù rằng hình ảnh boombox vẫn còn nhan nhản. Boombox là máy cassette xách tay to đùng, thường được dân mê nhạc thời đó xách đi khắp nơi. Walkman cũng gắn liền với thời hoàng kim của cassette, khi chuyển thành discman thì sức hút không còn nữa nên về sau, Sony bỏ hẳn cái tên discman và tiếp tục sử dụng từ walkman trong các chiến dịch quảng cáo của mình.

 

Boombox.
 

Năm 2006, cả Anh quốc bán được 100.000 cuộn băng cassette so với năm 1989 bán được 83 triệu băng! Băng cassette khó có sự trở lại như đĩa nhựa hay băng cối và sẽ trở thành một ký ức đối với người nghe nhạc và một cột mốc trong quá khứ của các định dạng âm nhạc.

 

Nhã Vy

people like INLOOK.VN fanpage