Bạn đang ở đây

Âm nhạc phản chiến: Những đoản tâm ca an nhiên và bi tráng

Nửa thế kỷ qua, nhiều ban nhạc, nghệ sĩ đã dùng âm nhạc của mình sát cánh với nhân loại tiến bộ, trong cuộc đấu tranh không mệt mỏi nhằm chấm dứt chiến tranh, yêu cầu hòa bình trên thế giới.

Cuối thập niên 60, đầu 70 thế kỷ XX, trào lưu nhạc phản chiến bùng phát cao tại Mỹ và lan ra nhiều nước trên thế giới, khi cuộc chiến tranh tại Việt Nam ở giai đoạn dữ dội nhất. Những tên tuổi như Bob Dylan, Jimi Hendrix, John Lennon, The Doors, Jefferson Airplane, Ten Years After, The Stooges, Trịnh Công Sơn... đã cất cao tiếng hát kêu gọi hòa bình và tinh thần phản chiến khắp nơi trên thế giới. Chiến tranh không phải là bất diệt. Khát vọng và tình yêu của con người mới là điều bất diệt.

Mùa hè của tình yêu

Mùa hè năm 67 được gọi là "mùa hè của tình yêu", là đỉnh cao của phong trào hippie và phản chiến ở Mỹ. Thanh niên Mỹ bắt đầu nhận thức được sự phi nghĩa của mạng người và tiền bạc mà chính phủ đang đổ vào ở Việt Nam. Họ cũng nhận thấy sau bộ mặt đạo mạo của những vị tai to mặt lớn là sự băng hoại của xã hội, những scandal tình dục của những chính khách, vụ buôn bán ma túy của FBI... Thanh niên đã phản kháng bằng cách chống lại những lề thói, khuôn phép đạo đức giả, với mong muốn thiết lập một đất nước vô chính phủ, không có chiến tranh, thù hằn,mọi người sống bằng tình yêu và gần gũi với thiên nhiên.

Khắp nơi, thanh niên để tóc dài và râu rậm giống với hình tượng của chúa Jesus và ăn mặc giống người da đỏ. Khẩu hiệu của dân hippie là "Make love, not war", "Flower power" ("Làm tình, không chiến tranh", "Sức mạnh của hoa"). Trong khi mái tóc của nam ngày càng dài ra thì chiếc váy của nữ ngày càng ngắn đi. Người mẫu Twiggy giới thiệu chiếc mini jupe lần đầu tiên. Phái nữ đấu tranh đòi hỏi quyền lợi của mình: Tự do trong vai trò làm chủ gia đình, tự do tình dục và tự do ngôn luận.

 

Dân hippie tụ tập tại một liên hoan âm nhạc ngoài trời.

 

Một bức ảnh thời trang của nhiếp ảnh gia Steven Meisel được lấy ý tưởng từ khẩu hiệu "Make love, not war".

 

Cùng với phong trào hippie, phản chiến và phong trào nữ quyền, phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc của người da đỏ và người da đen cũng không ngừng phát triển. Dưới sự lãnh dạo tinh thần của những lãnh tụ tinh thần như Malcom X và mục sư Martin Luther King, người da đen biết đoàn kết và đấu tranh có tổ chức hơn.

Với một xã hội sôi sục như thế thì sự phát triển của nhạc rock là tất yếu. Nhạc rock thúc đẩy đấu tranh và nguợc lại phong trào đấu tranh đã giúp nhạc rock có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
 
Ở cả hai bờ Đại Tây Dương, các trung tâm của nhạc rock đuợc hình thành. Thủ đô London già nua của nước Anh lột xác thành "The Swinging London", nơi tập trung của giới văn nghệ sĩ từ vỉa hè đến giới cổ cánh hàn lâm chuyển qua chơi guitar điện. Còn ở Mỹ thì San Francisco là thánh địa của dân hippie, văn nghệ sĩ và phong trào phản chiến. Thành phố nổi tiếng này được bất hủ hoá qua bài thánh ca hippie San Francisco của Scott McKenzie: "Nếu bạn đến San Francisco, đừng quên cài hoa lên mái tóc. Nếu bạn đến đây, bạn sẽ gặp những người lịch thiệp với hoa trên mái tóc...".
 
Thiên tài ngã xuống và tiếng hát vang lên

John Lennon và Bob Dylan là hai thủ lĩnh của phong trào âm nhạc phản chiến có ảnh hưởng lớn nhất thời bấy giờ. Ca khúc huyền thoại Blowing in the Wind của Bob Dylan từ khi xuất hiện đến nay vẫn là một trong những ca khúc phản chiến hay nhất và được cover lại nhiều nhất trên thế giới: "Bao nhiêu làn đạn phải bay để rồi chúng sẽ im trong nòng súng? Bao nhiêu đôi tai đủ để ta có thể nghe tiếng khóc lầm than nhân loại? Và bao nhiêu cái chết nữa mới đủ, đã có quá nhiều người chết? Bạn tôi ơi, câu trả lời đang dần cuốn theo cơn gió. Câu trả lời gió đã thổi bay đi".

 

Huyền thoại âm nhạc Bob Dylan trình diễn cùng Joan Baez tại Washington, năm 1963.


John Lennon ném trả chiếc mề đay Hiệp sĩ cao quý Hoàng gia Anh ban tặng để phản đối cuộc chiến ở Việt Nam. Anh xuống đường bắc loa kêu gọi "Sức mạnh thuộc về nhân dân", lên giường đòi "Cho hòa bình một cơ hội" và cùng mọi người ngồi tưởng tượng về một thế giới không còn chiếm hữu, không có thiên đường, cũng chẳng có địa ngục, chỉ có tình yêu của con người đang sống, ngay lúc này, ngay hôm nay (ca khúc Imagine, 1970). Năm 1973, John Lennon và vợ - Yoko tuyên bố sẽ trình diễn một màn nghệ thuật. Đây cũng có thể coi là màn trình diễn "đương đại" có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử môn nghệ thuật này, vì tính tác động lây lan khắp thế giới của nó. Khi các nhà báo đến xem buổi triển lãm của John tuyên bố, thì không hề thấy anh làm gì. Họ vào khu vườn nhà anh và thấy huyền thoại Ăng-lê đang nằm trên giường, bên người đàn bà châu Á của mình, hoang sơ như thủy tổ. Các nhà báo hỏi, John cười và nói: "Chúng ta đừng đánh nhau nữa mà hãy yêu nhau".

Ngày 8/12/1980, John Lennon gục xuống dưới làn đạn của một gã điên. Hòa bình mất thêm một cơ hội vốn đã ít ỏi vì nhà truyền giáo tích cực nhất đã ngã xuống. Khoảnh khắc John nằm xuống, những Imagine, Oh My Love, Give Peace a Chance, Grow Old with Me, Working Class Hero lại cất lên, mãnh liệt hơn bao giờ hết, cho đến tận ngày nay và đi vào bất tử. 31 năm sau những bản tụng ca của John về một xã hội không tiếng súng, không phân tầng giai cấp, không đổ máu cho những cuộc chiến phi nghĩa vẫn tiếp tục là một giấc mơ. Chưa có ngày nào thế giới vắng đi tiếng súng, những cuộc đánh bom khủng bố. Khi máu và nước mắt còn đổ, trẻ thơ mồ côi đói nghèo, bệnh tật vì chiến tranh, những người dân bị thiệt mạng vì khủng bố... âm nhạc và tư tưởng của anh vẫn còn là một bản án đanh thép cho chiến tranh, là bản tuyên ngôn yêu cầu tình yêu và hòa bình cho nhân loại.

 

John Lennon và vợ - Yoko Ono.


Tiếng vĩ cầm đêm đẫm máu

Một trong những tác phẩm đẹp nhất của nhạc phản chiến là album Dead Winter Dead của nhóm nhạc Savatage, với đỉnh cao là ca khúc Not What You See. Album gồm 13 ca khúc, kể về cuộc chiến tàn khốc ở Sarajevo (Nam Tư) được tái hiện qua con mắt của một miệng ống xối nước hình đầu sư tử ở quảng trường thành phố, qua những giai điệu da diết của một nhạc công già với cây vĩ cầm đơn độc giữa thành phố đầy khói lửa và câu chuyện tình cảm động giữa một chàng trai ở phía Serbia với một cô gái người Hồi giáo Albania.

Câu chuyện bắt đầu vào năm 1990, bức tường Berlin sụp đổ. Lần đầu tiên kể từ thời văn minh Roma, Yugoslavia được là một quốc gia độc lập. Serdjan Aleskovic không thể tin vào số phận may mắn của mình, anh có cả sinh mạng lẫn tuổi trẻ vào cùng một lúc. Nhưng trong khi những người dân đang say sưa với hạnh phúc mới, những thế lực nổi loạn đang ngấm ngầm gieo rắc mầm mống thù địch. Non trẻ và bồng bột, Serdjan và bạn bè lại bị thuyết phục tham gia vào một đơn vị quân đội Serbia.

Rồi một đêm Serdjan nhận ra mình đứng trên một ngọn đồi ngoài Sarajevo nã pháo vào thành phố. Cùng lúc đó trong thành phố, một số phận khác, phe Hồi giáo đối lập với phe của Serdjan, cô gái trẻ Katrina Brasic đang mua vũ khí gia công từ những người thợ cơ khí cho lực lượng của mình. Album Dead Winter Dead tái hiện lại từng thời khắc của hai số phận này cùng diễn biến trận chiến bằng âm nhạc.

Năm tháng trôi qua, tháng 11/1994, một người đàn ông già tha hương trở về thành phố quê hương sau hàng thập kỷ lưu lạc và đau xót chứng kiến cảnh hoang tàn, đổ nát. Khi những bông tuyết đầu tiên của mùa đông lạnh giá rơi xuống, ông ngước mắt lên hỏi Chúa: Chúng con đã cầu nguyện để Chúa thay đổi thế giới của chúng ta, nhưng Chúa ơi, không phải là thay đổi theo cách này (ca khúc This Isn't What We Meant). Mặt trời biến mất, trận chiến đêm bắt đầu như câu trả lời dành cho ông. Nhưng thay cho việc tìm nơi ẩn nấp cùng cư dân thành phố, ông lão lại trèo lên đỉnh đống hoang tàn nơi đã từng là đài phun nước tráng lệ và bắt đầu chơi thứ nhạc huyền diệu của Mozart bằng chiếc cello của mình. Kỳ lạ làm sao ông hoàn toàn vô sự giữa những làn đạn xoắn xuýt dày đặc và sau đó đêm nào ông cũng chơi nhạc như vậy. Những người lính Hồi giáo và Serbia sau này kể lại rằng, vào thời điểm đó họ đã nghe thấy tiếng vĩ cầm lẫn trong tiếng oanh tạc của đạn pháo.

Con người vẫn cầm vũ khí, lăn xả vào giết nhau. Sự điên rồ của con người và quang cảnh điêu tàn được vẽ lên trong Mozart and Madness, khi là nhịp trống dồn cùng tiếng accordion buốt óc tả cảnh chiến trường đẫm máu, khi là tiếng violon buồn bã thê lương thể hiện sự điêu tàn, thi thoảng ré lên tiếng guitar như tiếng thét đau đớn cùng cực của cả những người lính và dân thường vô tội. Trong sâu thẳm tâm hồn của những cỗ máy giết người non trẻ ấy, vẫn giữ lại chút ký ức: "Rất rất lâu trước đây, khi thế giới vẫn còn tươi đẹp, tôi đã đứng ở một Sarajevo khác, nó sẽ không bao giờ quay trở lại nữa, mãi mãi..."

Ở hai bên chiến tuyến, Serdjan và Katrina lắng nghe tiếng violon vang lên da diết giữa những âm thanh kinh hoàng của trận oanh tạc (ca khúc Mozart and Madness). Dù mùa đông đã cật lực che phủ mảnh đất này bằng những bông tuyết trắng, nhưng sự thật chiến tranh vẫn tiếp tục leo thang với bạo lực nghiệt ngã. Tiếng guitar tru tréo cùng những hồi trống trận trong Dead Winter Dead như bóp nghẹt trái tim người nghe.

Trong chuyến đi tuần trên những đường phố Sarajevo, Serdjan đi ngang qua mảnh sân của một ngôi trường nơi đã xảy ra một vụ nổ làm thiệt mạng rất nhiều học sinh. Thi thể chúng nát bét và bê bết máu trên tuyết, rất lâu sau đó Serdjan vẫn không thể thoát khỏi nỗi ám ảnh của những khuôn mặt tái nhợt bất động đó. Trước đó anh tự cho mình là một phần của lực lượng thần thánh xây dựng lại tổ quốc, nhưng giờ đây anh nhận ra mình chỉ là một phần của một thế giới đang tự hủy diệt. Và anh quyết định rời bỏ việc này ngay cơ hội đầu tiên (ca khúc One Child). Đêm Noel, cả Serdjan và Katrina đang trong ca trực, họ lắng nghe chiến tranh gào rú xen lẫn trong những nốt nhạc mừng Giáng Sinh vang lên từ cây cello của người nghệ sĩ già (ca khúc Christmas Eve - Sarajevo 24-12).
 
Chợt tiếng nhạc tắt lịm. Cảm nhận thấy điều tồi tệ nhất đã xảy ra, cả hai vội băng ra quảng trường. Và họ nhìn thấy nhau. Bằng bản năng, cả hai nhận ra họ đến đây cùng với một lý do, không ai tấn công ai. Hai người vượt qua đống đổ nát, và nhìn thấy xác người nghệ sĩ già nằm trên tuyết, máu me đầy mặt và cây cello vỡ nát.
 
Bỗng một giọt nước đơn độc rơi xuống làm nhạt màu máu trên má người nghệ sĩ đã chết, dù trời hoàn toàn quang đãng. Serdjan ngước mắt lên, nhưng anh chỉ nhìn thấy chiếc máng xối bằng đá, nhìn thẳng vào mắt anh từ trên đỉnh cao tháp nhà thờ. Trong một xứ sở hàng triệu người, kẻ duy nhất biết khóc thương cho nghệ thuật và tình người lại là một trái tim bằng đá.

Quá sức chịu đựng bởi điều này, Serdjan quyết định rời bỏ chiến tranh ngay lập tức. Anh quay sang cô gái Hồi giáo và đề nghị cô đi cùng anh, nhưng Katrina thoạt đầu không thể chấp nhận nổi bộ quân phục của kẻ thù trên người anh. Serdjan thuyết phục Katrina rằng anh không phải và không thể là thứ quái vật như cô vẫn nghĩ về kẻ thù của mình.

 

Bìa album Dead Winter Deas của Savatage.


Ca khúc Not What You See - ca khúc cuối cùng của album vang lên bằng những tiếng piano ấm áp, với những ngôn từ sâu lắng: "Không có cuộc đời nào quá ngắn mà không hề thay đổi. Không thể mãi lẩn mình trong bóng tối khi trời cao vang tiếng gọi tự do. Tôi đứng ngoài này đợi em. Lịch sử nào rồi cũng phải sang trang, và anh đứng ngoài này chờ đợi. Em mong chờ ở tôi những gì tôi không biết, nhưng tôi không phải bóng đêm em căm ghét. Tôi chỉ xin từ trong trái tim em đừng nghĩ về tôi như những gì em chứng kiến. Liệu em sống trọn đời trong một ngày? Mọi khoảnh khắc dồn nén lên vở kịch. Làm sao nghe được tiếng cuộc đời khi bánh xe thời gian xê dịch. Ngày mai sẽ ra sao? Nếu như em chấp thuận ngay giây phút này đây, khi không gian tràn ngập bom đạn và những tiếng thét điên cuồng. Tôi nhắm mắt hoà mình trong bóng tối, và em là tất cả những gì tôi cảm nhận được" - lời ca khúc Not What You See là lời giải thích của chàng trai trước đôi mắt căm thù xen lẫn kính trọng của cô gái. Anh cũng từng là một thanh niên với hoài bão và ước mơ, chính chiến tranh đã biến anh thành cỗ máy giết người. Anh mong cô gái đừng nhìn bộ y phục vấy máu của anh với ánh mắt ghê tởm. Sâu bên trong, anh không phải như vậy.

Trong giờ phút thiêng liêng nhất và cũng khốc liệt nhất của đêm Noel, chuông nhà thờ vẫn ngân vang, dàn đồng ca vẫn cất lên những bản thánh ca hòa vào tiếng bom đạn và tiếng kêu khóc trên nền đổ nát khói lửa, tạo nên bức tranh bi thương khốc liệt. Ở bên trên, dõi theo tất cả, máng xối đá thì thầm: "Tôi ở đây, chờ đợi, nhưng không hiểu con người mong đợi gì. Những thứ mà các người đang tranh giành, đang đổ máu vì nó, chỉ là bóng tối mà các người căm thù. Đó không phải tự do, không phải hạnh phúc. Hãy thứ sống cuộc sống thực của mình trong một ngày, một ngày hoàn toàn là chính mình. Và chỉ có tình yêu mới cho con người điều đó.

Niềm tin cho giấc mơ

Những đứa trẻ Palestine trong những khu định cư ở dải Gaza hay khu West Bank, khi được một nhà báo hỏi về ước mơ của mình, chúng trả lời: Muốn trở thành những chiến binh mujahiddin cảm tử, quấn bom xung quanh người lao vào những chiếc xe bus, những khu thương mại đông người trên đất Israel. Khi xem những bài tập vẽ của những đứa trẻ Afghanistan, sau bao năm chịu sự kìm kẹp của chế độ Taliban hà khắc, người ta chỉ thấy những thây người bị dốc ngược trên giá treo cổ, hay bị ném đá cho đến chết...

Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, tiếng súng chưa bao giờ im lặng trên hành tinh này. Mất mát và đau khổ tước đoạt đi tuổi thơ và những giấc mơ. Và những ca khúc như Imagine, Blowing in the Wind, Brothers in Arms, Hell Is a War, Not What You See... vĩnh viễn là lời cảnh tỉnh, thỉnh cầu hào hùng và thống thiết về một tinh cầu an hòa cho mọi sinh linh - những đứa con của Mẹ Trái Đất.

 

Thiên Ca

people like INLOOK.VN fanpage