Bạn đang ở đây

MTV Việt Nam - em là ai?

Sau nhiều năm dò xét và xuất hiện thử nghiệm trên vài kênh nhà nước, nay MTV đã chính thức hiện diện tại Việt Nam. Vậy thực sự MTV là em nào?

Music clip hay video clip là một từ ngoại khó có thể dịch và tìm từ thay thế chính xác, từ này bắt đầu phổ biến ở Việt nam cùng với cái tên MTV, một thứ hàng hóa tinh thần đặc biệt nhập khẩu từ nước Mỹ. Kênh truyền hình MTV như một làn sóng mới cuốn hút giới trẻ khắp thế giới không chỉ vì nó là kênh âm nhạc, em ấy nổi tiếng bởi đã tạo ra một phong cách sống, một phong cách rất Mỹ, em ấy Mỹ ở chỗ nữa là mang xu hướng toàn cầu nhưng khi loang ra từng vùng trên thế giới, em ấy lại rất biết cách hòa đồng và dụ dỗ thanh niên bản xứ bằng cách địa phương hóa.

Em ấy nổi tiếng đến nỗi khi chưa chính thức vào Việt nam cũng đã có những người nhái thương hiệu hoặc ăn theo tên em, như tên một quán âm nhạc, tên một ban nhạc nam hay thậm chí cách việt tắt tên của một ca sĩ, diễn viên điện ảnh quen thuộc. Em ấy như cơn sóng lan truyền, ảnh hưởng không những  thói quen nghe nhìn, ăn mặc, nói năng  của giới trẻ Việt mà còn làm thay đổi cả một phong cách của hệ thống phát thanh viên truyền hình. Các em dẫn chương trình trẻ trên ti vi Việt bây giờ đã bỏ phắt tư thế ngồi quen thuộc ngày trước để đứng hết cả lên đan hai tay trước bụng và thỉnh thoảng lại khua lên đầy vẻ xì tin, MC nào cũng một kiểu đó bất kể đang dẫn chương trình thời sự, thời tiết hay khoa học thường thức.  

Sau nhiều năm dò xét và xuất hiện thử nghiệm trên vài kênh nhà nước, nay MTV đã chính thức hiện diện tại Việt nam. Vậy thực sự MTV là em nào?

 


Em là showroom của nền công nghiệp âm nhạc

Thời đại của công nghiệp giải trí bùng nổ cuối thế kỷ XX đã làm thay đổi sâu sắc và toàn diện thói quen nghe nhạc của giới trẻ. Vốn âm nhạc là để nghe bằng tai nhưng nay đã nghe cả bằng mắt và bằng tay chân. Văn hóa nhìn đã thay đổi nền công nghiệp thu âm. Vì Music phải có cả nhìn nên mới ghép thêm TV thành MTV - kênh truyền hình âm nhạc mà trên đó những nhà sản xuất âm nhạc giới thiệu trước cho khán thính giả của họ những album sắp phát hành, những khuôn mặt triển vọng và những show diễn live sắp tổ chức.

Thông thường thì ca sĩ hoặc nhà sản xuất sẽ phát một bài hit nhất trong album mới của mình và sau đó là việc phát hành album. Khi một hoặc nhiều album đã quen thuộc với thính giả thì sẽ tổ chức live show trên cơ sở nhiều bài hit quen thuộc làm khán giả chờ đợi được xem và hát theo tạo không khí phấn chấn và cuồng nhiệt. Những buổi ca nhạc như vậy thường được bán hết vé trước từ rất lâu. Điều này có vẻ như bắt đầu manh nha ở Việt Nam tuy còn rất tự phát vì hai trở ngại chính: Việt Nam chưa có thị trường âm nhạc đúng nghĩa và vấn nạn bản quyền chưa có lời giải đáp.

Vì vậy nên MTV vào Việt Nam như để giữ chỗ và thăm dò thị trường cùng với những mối quan hệ riêng tư giữa BHD và MTV Singapore nhiều hơn là em ấy muốn kiếm tiền ngay lập tức. Và vì nó là cái showroom để các nhà sản xuất chào hàng nên hàng hóa ấy (những video clip) là do ca sĩ và nhà sản xuất và phải trả tiền cho MTV để được phát sóng chứ không phải nhà đài bỏ tiền ra làm video. Chính điều này là một trong những lý do những giải thưởng âm nhạc trước kia của đài HTV và VTV mới sinh ra đã chết yểu. Chẳng ai mặn mà đến sự tồn tại của nó. Còn MTV Việt Nam thì hãy chờ xem, chờ và hy vọng.

 


Em là người đại diện của văn hóa pop

Ảnh hưởng của MTV lên giới trẻ từ những năm 80 của thế kỷ trước cho đến nay mạnh đến nỗi người ta gọi là "thế hệ MTV" khi lối sống thiên về hoài nghi, thực dụng, dễ dãi, vật chất và hưởng thụ. Phổ biến trên MTV là những hình ảnh quán xá ăn chơi, xe cộ đời mới, thời trang thời thượng và những cuộc ăn chơi triền miên, nhất là những video của dòng nhạc hip hop và R&B. Nhạc rock thì quậy phá hoặc làm những việc khác người. Nhạc pop thì yêu đương mùi mẫn hoặc chia ly đau khổ...

Đã có nhiều nhà xã hội học và cả tôn giáo phê phán lối sống thực dụng kiểu MTV, nhưng nó vẫn càng ngày càng phát triển và thương hiệu MTV đã được bán khắp châu Á, đến đâu nó nhanh chóng địa phương hóa từ logo đến âm nhạc bản xứ làm tăng lên nhanh chóng lượng khán giả của mình và hưởng lợi từ giới trẻ không chỉ qua âm nhạc mà còn cả những show truyền hình thực tế và phỏng vấn các ngôi sao về lối sống vật chất xa hoa của họ. Vào Việt Nam, chắc chắn MTV sẽ phải theo phong cách đó, còn chuyện chấp nhận nó hay không và như thế nào phụ thuộc vào nhận thức và quan hệ giữa trẻ em và... cha mẹ của chúng. MTV vô can và không quan tâm đến các bậc cha mẹ. Những người nghe nhạc kỹ tính, trung thành và sành điệu sẽ không "xem nhạc" trên TV, không nghe nhạc với cái loa của máy vô tuyến truyền hình. MTV cũng không quan tâm đối tượng này, nó tiêu biểu cho tính thương mại và khía cạnh "nhìn" của âm nhạc thời đại. Nhưng nhìn những gì đang diễn ra trong văn hóa biểu diễn và thưởng thức của giới trẻ Việt hiện nay thì việc MTV ra mắt chính thức có vẻ là thời điểm quá hợp lý. MTV là của giới trẻ.

 

 


Em là phòng thí nghiệm của những phong cách thể hiện hình ảnh và bệ phóng để lăng xê các tên tuổi mới

Nếu bạn trẻ nào muốn thử sức trong lĩnh vực phim ảnh mà dễ được chấp nhận nhất thì nên bắt đầu bằng việc quay video ca nhạc (MV), ở đây khái niệm thể loại và cấu trúc không quan trọng, tất cả chỉ là ý tưởng, hình ảnh sao cho lạ, sốc và bắt mắt. Tuy vậy rất nhiều nhà làm phim trưởng thành từ việc quay clip ca nhạc và ngược lại nhiều đạo diễn tên tuổi được mời quay clip cho những ca sĩ nổi tiếng và họ đã cho ra đời những clip giá trị nghệ thuật cao, những MV của Michael Jackson, Madonna... mãi mãi là những MV siêu phẩm phát xuất từ MTV kể từ sau khi bộ phim ca nhạc The Wall của Pink floyd ra đời với đạo diễn Alan Parker, nơi mà lần đầu tiên các hình thức thể hiện của hình ảnh như hội họa, đồ họa siêu thực được ghép chung với hiện thực một cách vô cùng ấn tượng.

Ngày nay khi thế hệ các máy ảnh và máy quay số ra đời thì các nhà làm phim trẻ và các ca sĩ mới vào nghề đã dễ dàng hơn rất nhiều khi tự quay một MV thậm chí bằng máy chụp hình HD để phát quảng bá trên các kênh âm nhạc mà kênh tiêu biểu trước đây - một kênh thuần Việt nhưng mang cái tên nửa Tàu nửa Hàn là Yan TV (Yeu Am Nhac) là người đỡ đầu. Kênh này hiện nay chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ khi MTV Việt nam xuất hiện. Miếng bánh đã bắt đầu bị chia.

 


Các ca sĩ trẻ và theo xu hướng biểu diễn hình thể là những người chịu khó đầu tư làm MV để phát sóng nhất vì họ hiểu tác dụng lăng-xê hình ảnh (chứ chưa chắc là âm nhạc) mà kênh này mang lại, ai khả năng thế nào thì làm thế ấy, thay vì phải quay video để tặng kèm đĩa CD như trước. Vì vậy không có gì khó hiểu khi ở giải thưởng MV Việt Nam đầu tiên do MTV phát động thì các ca sĩ trẻ rất hăng hái tham gia, đối tượng thứ hai là những ca sĩ thành danh nhưng đang muốn giới thiệu dự án âm nhạc mới của mình như Hồng Nhung, Đàm Vĩnh Hưng... Ngược lại những người không có kế hoạch gì mới hoặc không cảm thấy phù hợp thì dù được hỗ trợ 40 triệu tiền thiết bị như Thanh Lam, Đức Tuấn thì vẫn hẹn dịp khác.

Thường thì các ca sĩ đo độ khủng của mức đầu tư vào MV bằng những đề tài hoành tráng, kỹ xảo tân kỳ. Muốn đắt tiền và nhìn cho nó giống Hollywood thì  đề tài người hành tinh hay vũ trụ của thì tương lai hay được chọn thể hiện, mặc dù lời nhạc và thậm chí phong cách nhạc không liên quan nhiều lắm như Hà Hồ, Nhật Thu... Còn nếu ai thích thời trang thì cứ việc chưng diện các thể loại khuynh hướng, kiểu dáng, kết hợp với hình thể sexy cùng với một nội dung độc đáo, dí dỏm kiểu teen là ăn như Thu Minh, Văn Mai Hương... Cũng có những MV nhái ảnh hưởng theo những bộ phim hoặc MV nổi tiếng khác của nước ngoài rồi Việt hóa theo cách của mình để chứng tỏ cái tôi, chứng tỏ ta cũng làm được như Linh Phi... Thỉnh thoảng cũng có những MV rất độc đáo dù quay bằng máy chụp hình, những MV này không chỉ đặc biệt về âm nhạc mà còn cả cách thể hiện thí dụ như Tau thích mi của Lil'pig... Riêng về những chuyện này thì dù hay hoặc dở có cả thì quả thực MTV Việt nam có rất nhiều tác dụng tích cực cho việc phát hiện nhân tài trẻ và mở một sân chơi mới thông qua âm nhạc cho giới trẻ.

 

 


Em trụ hạng được bao lâu?

Điều này còn phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh, nhu cầu thị trường và hầu bao của nhà đầu tư. Ngay từ hôm họp báo về giải thưởng video âm nhạc đầu tiên mà MTV phát động, các nhà báo hầu như chẳng ai quan tâm đến điều này mà quá tập trung vào thể lệ và tiêu chí cuộc thi cũng như số lượng clip dự thi. Hầu hết những nhà bào chất vấn ban tổ chức vì báo họ đều có những giải thưởng âm nhạc tương tự, vì vậy họ cho rằng thêm giải sẽ loãng và thêm cạnh tranh chăng? Sự thực là các giải thưởng và đời sống của các kênh TV âm nhạc phụ thuộc vào khán gỉả xem đài và nền công nghiệp âm nhạc. Nếu nhu cầu cần thì số MV sẽ càng ngày càng nhiều lên và BTC sẽ chẳng cần phải hỗ trợ gì cho ca sĩ nữa. Khi ca sĩ và nhà sản xuất thấy cần các kênh âm nhạc, họ sẽ tự bỏ tiền đầu tư cho các em ấy sống, dù em ấy là MTV hay Yan TV.

Cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Có sân thì giới trẻ cứ chơi đã. Cuộc chơi còn dài và giống như một canh bạc, đến sáng mới biết ai là người "ăn" thực sự.

 

Phạm Hoàng Nam

people like INLOOK.VN fanpage