Bạn đang ở đây

Thất vọng với Táo quân 2013

Tôi khá thất vọng và không hiểu tại sao trong buổi chầu cuối năm, các Táo lại sử dụng quá nhiều ngôn ngữ nước ngoài.

Hà Nội, đêm giao thừa 29 tết, tôi lần đầu tiên xem Táo quân.

Không biết mọi năm thế nào nhưng năm nay, tôi thật sự ấn tượng với chương trình hài Táo quân 2013. Ấn tượng không phải vì “nó” hay, “nó” đặc sắc mà ấn tượng vì tôi không thấy đâu là Việt Nam trong đó, dù đây là chương trình được mong đợi nhất vào mỗi dịp cuối năm, dù không chính thức nhưng cũng tổng kết những hoạt động của Việt Nam trên các lĩnh vực trong năm.

Một màn biểu diễn của các Táo trong chương trình Gặp nhau cuối năm.

 

Là người Việt, tôi tự hào là con rồng cháu tiên, tự hào với một ngôn ngữ độc nhất, kết tinh bản sắc của dân tộc. Với niềm tự hào đó, tôi khá thất vọng và không hiểu tại sao trong buổi chầu cuối năm, các Táo lại sử dụng quá nhiều ngôn ngữ nước ngoài.

Táo giao thông sử dụng một ngôn ngữ kì lạ (có lẽ đây là loại ngôn ngữ mới – tiếng Anh pha tiếng Việt). Sao Táo không nói “không bao giờ” thay bằng “never”? “Who kêu”, “me kêu” là cái gì? Nếu thay vào đó là "ai kêu", "tôi kêu", chẳng phải hay hơn sao?

Người Việt luôn tự hào rằng Việt Nam có nền văn hiến lâu đời với 4000 năm dựng nước giữ nước. Vậy mà chẳng lẽ không có lấy một bài hát, một đoạn ca sao? Táo kinh tế đã rất hài hước khi biểu diễn “Gangnam style”, rất hợp mốt.

Tuy bên mảng kinh tế nhưng nắm rất rõ đâu là bài hát được giới trẻ ưa chuộng. Nhưng tại sao trong buổi chầu cuối năm của đất Việt lại phải nhái lại (tôi dùng từ nhái) một bài hát Hàn Quốc?

Báo đài luôn giương khẩu hiệu "người Việt dùng hàng Việt", "giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt", đây là những tư tưởng, chủ trương rất đúng nhưng tại sao chính các Táo lại “đánh mất” sự trong sáng đó?

Thử hỏi chính các “Táo” và “Ngọc Hoàng” cũng như vậy thì tiếng Việt sẽ trong sáng bằng cách nào?

Một điểm tôi cũng khá “ấn tượng” nữa đó chính là các Táo cho rằng người Việt Nam quá giỏi. Táo kinh tế dùng những thuật ngữ chuyên ngành mà quên mất rằng Việt Nam là một nước nông nghiệp, phần đông người dân là nông dân hiền lành, chất phát thì thử hỏi trong số đó bao nhiêu người biết “nợ xấu” là gì? Bao nhiêu người biết “lạm phát phi mã” là gì?

Tuy rằng Táo đã giải thích nợ xấu nhưng với cách giải thích như vậy thì ai sẽ hiểu và hiểu như thế nào?

 

Theo VNE

people like INLOOK.VN fanpage